Đồng cảm với câu chuyện "Dọn tổ cho ‘đại bàng’", độc giả K nêu thực trạng công nhân Việt chưa được đảm bảo quyền lợi chính đáng khi làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài: "Đây là tình trạng ở nhiều nơi. Doanh nghiệp chỉ lo tới việc cắt giảm chi phí sản xuất để tăng thêm lợi nhuận cho mình. Khi doanh nghiệp làm ăn phát đạt, công nhân cũng chẳng được hưởng lợi gì ngoài những phúc lợi cơ bản. Khi doanh nghiệp làm ăn thất bại, công nhân là đối tượng bị cắt giảm đầu tiên trong danh sách nhân sự.
Tôi từng chứng kiến những người công nhân phải ở trong những căn nhà tạm gần cánh đồng, nhưng doanh nghiệp họ đang làm lại là một công ty sản xuất máy lạnh. Tôi cũng chứng kiến những công nhân bị ốm nặng cũng phải đi làm, vì chủ quản lý sợ một người nghỉ sẽ ảnh hưởng tới dây chuyền, nhưng công ty họ đang làm là công ty dược phẩm.
Còn có những công ty, khu vực nhà ăn vẫn phân biệt khu cho chủ quản, nhân viên văn phòng và khu cho công nhân lao động phổ thông. Tôi đang tự hỏi ai là người tạo nên giá trị doanh nghiệp? Mối quan hệ doanh nghiệp - người lao động phổ thông chưa bao giờ có chỗ cho tình cảm? Chất lượng công nhân, kể cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ mới là giá trị bền vững tạo nên một doanh nghiệp hoàn chỉnh. Doanh nghiệp đừng quá coi trọng sản phẩm tạo ra, mà quên mất yếu tố con người tạo nên sản phẩm đó".
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, bạn đọc Hoa chỉ ra vai trò mờ nhạt của tổ chức Công đoàn: "Cho đến hiện tại, tôi vẫn chưa thấy lợi ích của các tổ chức công đoàn đối với công nhân. Tôi còn nhớ, khi công ty cũ của tôi làm sai và muốn đuổi việc một nhân viên, gần như chẳng thấy mặt công đoàn đâu. Người trong Công đoàn cũng phải lãnh lương từ công ty nên đâu ai dám ra mặt ý kiến. Cũng may, người nhân viên đó có chút hiểu biết pháp luật nên đã thuê luật sư đến làm việc với phòng Nhân sự và Pháp lý của công ty. Kết quả, công ty phải đền một số tiền lớn cho người nhân viên kia. Tóm lại, vai trò của công đoàn vô cùng mờ nhạt".
>> 'Đừng nghĩ đến tiền lương khi mới đi làm'
Trong khi đó, độc giả Natuan66 lại cho rằng, trước khi chờ đợi sự ban phát của các doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng cần tự nâng cao giá trị, năng lực của bản thân: "Từ lúc ra trường tới giờ, tôi đã có hơn 15 năm làm việc cho các tập đoàn, công ty nước ngoài, từ châu Âu cho tới châu Á. Thời gian đầu, tôi cũng có lúc đứng về phía những người yếu thế, nhưng sau một thời gian, tôi thấy sự việc không đơn giản như mình nghĩ. Tôi không có ý bênh các ông chủ nước ngoài, nhưng chúng ta nên nhìn nhận vấn đề ở các góc độ khác nhau:
1. Doanh nghiệp nước nào cũng vậy, đã đầu tư thì phải có lợi nhuận,. Do đó, tiết kiệm chi phí luôn được các ông chủ đặt lên hàng đầu. Dễ dãi quá sẽ thất thoát, dẫn đến không hiệu quả, có thể phá sản.
2. Cấp quản lý trung gian người Việt mới là bộ phận góp phần tiếp tay để trục lợi cá nhân.
3. Người thực thi pháp luật chưa nghiêm, thanh tra dễ bị qua mặt.
4. Công nhân không có tay nghề, ý thức kém, lười biếng, dễ thay thế nên không có tiếng nói.
5. Công nhân không thể quá đòi hỏi, cái gì cũng muốn: lương cao, công việc nhẹ nhàng, chế độ đầy đủ, môi trường làm việc thoải mái, quản lý không chửi bới... Tôi từng quản lý công nhân nên rất hiểu suy nghĩ này.
Do đó, thay vì trách cứ và ỷ lại vào doanh nghiệp nước ngoài, mỗi người công nhân phải cố gắng nâng cao năng lực bản thân, có ý thức học tập lao động để tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ đó, chúng ta mới có thể phát huy nội lực, xây dựng nên một nền kinh tế tự chủ với các tập đoàn kinh tế của người Việt. Nếu cứ ỷ lại vào sự ban phát của người nước ngoài thì mãi mãi chúng ta không ngóc đầu lên được".
>> Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.