Trẻ em là tương lai của đất nước. Do vậy, chính sách giáo dục của một quốc gia cùng với sự hình thành một hệ thống bảo vệ quyền trẻ em, trẻ vị thành niên có tầm quan trọng cực kỳ to lớn trong việc kiến tạo cùng duy trì môi trường sống và học tập lành mạnh để các bé phát huy khả năng tư duy, sáng tạo, làm nền tảng cho sự phát triển của đất nước trong tương lai, đúng với ý nghĩa câu nói: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, lợi ích trăm năm trồng người".
Ở nước ta, Luật trẻ em và nhiều cơ quan đoàn hội chuyên bảo vệ quyền trẻ em đang hoạt động nhưng chưa có hiệu quả. Đó là lý do chúng ta vẫn khá thường xuyên bắt gặp cảnh tượng trẻ em bị bạo hành, ấu dâm, dẫn đến hậu quả nạn nhân bị chấn thương tâm lý, trầm cảm, tự kỷ, thậm chí tử vong. Điều đó đặt ra câu hỏi các cơ quan, hội đoàn chức năng đã ở đâu khi chuyện trẻ em bị bạo hành, xâm hại hàng ngày vẫn diễn ra trong gia đình, trường học?
Câu chuyện bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành đến chết trong sự đồng lõa của người cha mới đây như một giọt nước tràn ly, khiến cả xã hội căm phẫn và giật mình nhìn lại nhưng gì đang tồn tại. Những kẻ gây tội sẽ bị pháp luật trừng trị, những người chịu trách nhiệm liên quan đến vụ việc cũng sẽ bị xử lý. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để không tái diễn những trường hợp đau lòng như vậy nữa?
Theo tôi, thứ nhất, cần nâng cao trách nhiệm và nghĩa vụ của những cơ quan bảo vệ quyền trẻ em, phải thường xuyên có các hành động tuyên truyền, tiếp nhận và khuyến khích người dân phát hiện, tố giác các hành vi bạo hành trẻ em ở bất kỳ vùng miền nào, để cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn trước khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nếu hỏi có dám đứng lên bảo vệ trẻ em, lên án những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ, hoặc liên lạc đến cơ quan nào để làm điều đó, có lẽ phần đông sẽ chọn cách im lặng, tránh né, tặc lưỡi cho qua, hoặc muốn trình báo nhưng không biết gọi cho ai vì sợ liên lụy, phiền phức.
>> Tôi phản kháng khi bị cha mẹ đánh mắng
Thứ hai, các bài học về quyền trẻ em dứt khoát phải được lồng ghép vào trong chương trình sách giáo khoa để giáo dục học sinh, để giúp các em hiểu được mình có quyền sống, quyền được bảo vệ như thế nào? Qua đó, chúng ta có thể dạy các em kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi bị người lớn bạo hành. Ở các nước phương Tây, khi bị xâm hại, các bé luôn biết biết sẽ cần gọi cho ai, cơ quan nào, số máy nào để được hỗ trợ và bảo vệ. Tuy nhiên, ở ta, đây vẫn là chuyện khá lạ lẫm, thế nên các bé là nạn nhân của bạo hành luôn chỉ biết im lặng và cam chịu, thay vì dám đứng lên đấu tranh chống lại cái xấu.
Thực ra, những quyền của trẻ em đều đã ghi rất rõ trong Hiến pháp, luật pháp. Do đó, chúng ta phải triệt để phá bỏ, lên án cách giáo dục lỗi thời "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Thân thể, tâm hồn trẻ em là bất khả xâm phạm, dù đó có là cha mẹ ruột hay bất kỳ ai.
Thứ ba, dù hiện nay ở ta đã có mô hình Nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành gia đình; có các trường giáo dưỡng nuôi dạy, giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng, vi phạm pháp luật; tuy nhiên lại thiếu bóng những trung tâm xã hội chuyên biệt như các nước phát triển để cưu mang trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi hay bạo hành. Đặc biệt, ngành Tư pháp cũng nên chú ý đặc biệt đến môi trường sống của các bé trong trường hợp cha mẹ ly hôn, để có sự quan tâm thích hợp dù con sống với cha hay với mẹ. Đừng nghĩ rằng xử thành án ly hôn, phân chia tài sản, con cái xong xuôi là đã hoàn thành nhiệm vụ.
Cái chết thương tâm của bé gái tám tuổi ở TP HCM vừa qua đã để lại cho chúng ta một bài học đau xót, là lời cảnh tỉnh lương tri cho tất cả con người. Cả xã hội từ các cơ qan nhà nước đến các tầng lớp nhân dân đều phải cùng nhìn lại để có hành động thiết thực, không cho phép tái diễn cảnh trẻ em bị bạo hành, ngược đãi như vậy trong tương lai. Chỉ có như vậy, các em mới thực sự được bảo vệ và sống đúng với những quyền lợi chính đáng của mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.