Tôi ngồi nói chuyện với người bạn làm "cò" bất động sản, bạn ấy than rằng hơn hai tháng nay, ngày nào cũng tích cực môi giới, dắt khách đi xem đất nhưng chưa chốt được giao dịch nào. Người mua thì chê đắt, người bán thì "kêu giá trên trời".
Câu chuyện làm tôi nhớ đến người em tôi ở quê, đang kêu bán căn nhà một trệt, một lầu, diện tích 90 m2 với giá 3,8 tỷ đồng. Căn nhà của em tôi ở phố chợ huyện, rất tiện buôn bán, gia đình đang sử dụng nhưng do nhu cầu mở rộng kinh doanh nên bán để mua căn nhà khác có diện tích lớn hơn.
Em tôi rao giá 3,8 tỷ đồng với thời gian gần 5 tháng rồi nhưng rất ít người hỏi mua. Được vài người ghé xem thì ai cũng bỏ chạy với mức giá quá cao. Do vướng phải tiền gốc, lãi đi vay nhà mới nên em tôi muốn mau chóng bán được căn nhà cũ.
Tham khảo một số ý kiến của dân bất động sản địa phương, họ nói rằng với mức giá đó rất khó bán vì hơi cao so với mặt bằng chung. Em tôi bằng lòng giảm giá, chỉ còn 3,5 tỷ đồng nhưng vẫn không ai mua. Có người hỏi nếu cho thuê thì họ sẽ thuê, còn mua thì không.
Với mặt bằng giá cả bất động sản xung quanh, tôi nghĩ căn nhà em tôi chỉ nằm trong mức 2,8-3 tỷ đồng. Nhưng tại sao lại được kêu giá "trên trời", chênh lệch một tỷ đồng như vậy?
>> Đổi đời nhờ bán 'căn lều lụp xụp' ở trung tâm Sài Gòn
Đó là do tâm lý bấy lâu nay thấy sốt đất ở khắp nơi, ai cũng tưởng miếng đất, ngôi nhà của mình là "kho báu", nên mặt sức rao giá trên trời. Ai cũng khoe mình có miếng đất chỗ này, ngôi nhà chỗ kia tiền tỷ. Nhưng khi rao bán và giao dịch thành công thì mới hay.
Đúng như đánh giá của một bài viết hồi đầu năm, ai cũng có đất nhưng không có tiền mặt. Theo tôi vì thanh khoản nhà đất hiện tại đang yếu. Nhu cầu mua nhà, đất vẫn còn nhưng ít người có tiền mặt, lại ngại đi vay vì ký ức rủi ro do Covid-19 vẫn còn đó. Người bán (bao gồm trường hợp như em tôi và những người đầu cơ lướt sóng) vẫn có nhu cầu bán, nhưng mức giá họ đưa ra quá cao so với giá trị thực.
Lê Bảo
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.