Nói về thói đố kỵ trong cuộc sống, độc giả Khanh Ly Nguyen chia sẻ:
Tôi cũng từng học trong môi trường toàn người học giỏi, cũng đố kị lẫn nhau, nhất là với bạn càng thân. Sau này khi gặp phải biến cố, sức khoẻ giảm sút trầm trọng, phải nghỉ học, bỏ hết tất cả nỗ lực tạo dựng trong nhiều năm, trở về con số không, sau khi tinh thần bị giày vò một năm, tôi quyết định sống một cuộc sống khác, làm một con người khác.
Tôi đăng ký học một ngành mới mà bản thân trước đây chưa bao giờ nghĩ tới, sống thả lỏng hơn, mở lòng hơn, đặt mình ở vị trí thấp nhất để bắt đầu tìm hiểu lại con người, thế giới.
Bây giờ nghĩ lại tôi thấy có lẽ biến cố lúc đó lại là một điều may mắn với mình, lúc trước mình luôn cho bản thân là tâm điểm của vũ trụ, ai thua kém thì hả hê, ai giỏi hơn thì ghen tị trong lòng. Đó quả thật là liều thuốc độc hãm hại tâm hồn.
Thay vì ghen ghét người giỏi hơn thì mình lại muốn giao lưu tiếp xúc với họ nhiều hơn để được học hỏi, hoàn thiện bản thân hơn. Qua nhiều trải nghiệm trong cuộc sống sẽ đến lúc bạn thấy được ghen ghét đố kị không làm cho người ta xấu đi mà làm cho bản thân mình ít hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Độc giả TaiHV chia sẻ: Ngày xưa học chuyên Toán, trong lòng tôi cũng có tính đố kỵ nhưng dần dà học đại học, ra trường đi làm rồi mới thấy những điều đấy không nên. Cạnh tranh thì được chớ đừng nên đố kỵ. Đố kỵ là ghen tị và thấy buồn và ghét khi thấy người khác hơn mình.
Trong một tập thể luôn có người này người nọ, và người có điểm mạnh này người kia có điểm mạnh khác. Cố gắng học giỏi hơn bạn thì dễ, nhưng vượt qua được bản thân mình bỏ tính đố kỵ mới là khó. Cái nào khó thì nên làm, khó mới thể hiện được bản lĩnh của bản thân.
Một số độc giả cho rằng, ngoài đem lại cảm giác thua kém người khác, tính đố kỵ giúp có động lực, cố gắng phấn đấu để bằng họ:
Tính đố kỵ về mặt tốt, nó giúp có động lực không ngừng hoàn thiện mình, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, về mặt không tốt, nó làm ta không được thanh thản, luôn luôn soi xét bản thân mình, dằn vặt, khó bỏ qua những sai lầm, thất bại dù nhỏ.
Thêm nữa, sau này cháu có người yêu, chồng, con, thường những người đó cũng sẽ chịu sự soi xét khắc nghiệt. Vì người ta chỉ che giấu bản thân mình trong những mối quan hệ xã giao, khó mà che giấu mình với những người ở bên cạnh, sống lâu dài.
Rất nên thay đổi vì sự đố kỵ, lòng tham hay gọi chung là "sân si" là yếu điểm rất dễ để người khác nắm lấy và điều khiển mình. Người tinh đời sẽ nhìn ra những xúc cảm để chi phối cháu theo ý muốn của họ. Sự sân si còn khiến cháu chạy theo những giá trị vật chất để cân đong, đo đếm mà đến một lúc nào đó, cháu sẽ thấy cuộc sống mình thật mệt mỏi và trống rỗng.
Để thay đổi, nên đọc nhiều sách.
Theo như kinh nghiệm của người từng trải, tính đố kỵ là về một mặt nào đó mình chưa giỏi, chưa đủ giỏi về một điều gì đấy nhưng có người khác vượt qua mặt mình và là người mình quen biết.
Nếu mình chưa giỏi và chưa đạt đến trình độ master trong một lĩnh vực nào đó thì mình sẽ luôn cảm thấy ghen tỵ, đố kỵ với một người nào đó nhưng nếu mình đã đạt đến một trình độ thượng thừa (master) về một lĩnh vực nào đó thì lúc đó mình không xem ai là đối thủ hoặc không có ai là đối thủ của mình nữa mà mình sẽ trở thành đối tượng ngưỡng mộ hoặc mình sẽ ngưỡng mộ một ai đó có trình độ ngang hoặc cao hơn với mình để phát triển.
Trong bất kì việc gì, trong bất kì lĩnh vực nào, hãy tìm ra người ngưỡng mộ nhất trong lĩnh vực đó và phấn đấu đạt như người em ngưỡng mộ. Trong lớp em học đàn, có ai giỏi nhất đạt đến trình độ em ngưỡng mộ không?
Nếu không hãy trở thành người đó, nếu có hãy học theo, nếu chưa biết chưa đủ khả năng trở thành người được ngưỡng mộ đó thì hãy học hỏi thêm và tìm kiếm thêm thông tin để đạt đến trình độ master mà mọi người có thể ngạc nhiên và ngưỡng mộ về mình.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.