Đánh giá về chất lượng nền bóng đá Việt Nam hiện tại, độc giả Phat Du nhận định:
Tổng quan bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại:
- Chúng ta đứng số một ĐNA nhưng chưa vượt trội hoàn toàn so với Thái Lan, Malaysia.
- Nền tảng của bóng đá Việt Nam từ cơ sở vật chất, sự chuyên nghiệp... chỉ ở hạng trung so với khu vực.
- Ở tầm châu lục, Việt Nam mới chỉ ở hạng trung bình khá, chưa thể "ngồi chung mâm" với những ông lớn như Nhật, Hàn, Iran hay Úc được.
Tổng kết lại, bóng đá Việt Nam đang phát triển, nhưng nền tảng còn yếu, chưa có gì đảm bảo cho sự thống trị lâu dài ở khu vực. Ở tầm châu lục, chúng ta chủ yếu là sự bất ngờ và tính nhất thời. Nếu ông Park không còn dẫn dắt đội tuyển nữa thì bóng đá Việt Nam sẽ như thế nào?
Trong khi đó, bạn đọc Phuquang Trieuly lại cho rằng, bóng đá Việt Nam đang phát triển theo đường xoáy ốc:
Dưới góc độ biện chứng mà xét thì bóng đá Việt Nam đang tiến lên theo đường xoay ốc chứ không phải là thẳng . Ở đó, mỗi "vòng xoáy ốc" (bóng đá) là một chu kỳ vận động trải qua 4 giai đoạn: khủng hoang đỗ vỡ, tàn tạ yếu ớt, phục hồi và phát triển mạnh mẽ... Cứ thế tiến lên, chu kỳ sau phát triển cao hơn chu kỳ trước (ngay ở thời điểm "khủng hoảng" hiện nay thì chúng ta bị loại cũng là ở cấp độ châu lục, cao hơn cấp khu vực ĐNA từng bị loại liên tục trước đây).
Đặc điểm của mỗi "vòng xoáy ốc" (chu kỳ) to hay nhỏ (cả về thời gian và cấp độ sân chơi) phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó yếu tố chủ quan của thầy và trò (HLV và đội hình cầu thủ) là quyết định. Trở lại với "xoáy ốc" hiện thời, Việt Nam hai năm qua đã có các yếu tố chủ quan mạnh mẽ bậc nhất của mình, nhờ đó lần đầu tiên đoạt Á quân U23 Châu Á (2018) và vô địch SEA Games 30 (2019), có thể coi là đang ở giai đoạn "phát triển mạnh mẽ". Tuy nhiên, chúng ta đã chạm đến "điểm rơi" khủng hoảng hay chưa thì cú vấp ngã châu lục vừa qua là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ. Hãy chờ tới kết quả Vòng loại World Cup 2020 sẽ rõ.
Đánh giá về lối chơi của đội tuyển trong hai năm vừa qua dưới thời HLV Park Hang-seo, độc giả Seraphiel chia sẻ quan điểm về công thức để chiến thắng:
Cho dù HLV có tư duy chiến thuật tốt đến đâu mà cầu thủ không có sức để thực hiện nó thì cũng vô ích. Muốn áp đặt lối chơi pressing tầm cao như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc thì cái cần là thể lực và tầm vóc. Cầu thủ Việt Nam chỉ được vài người trên 1,8 m, còn lại toàn thấp bé nhẹ cân, sức bền yếu. Messi tuy chỉ cao 1,7 m nhưng mật độ cơ lại rất cao, thể hình nhìn rất tốt, 2-3 người tì đè không nổi. Trong khi Quang Hải của Việt Nam, hậu vệ tuyển Hàn, Nhật chỉ xô nhẹ chắc ngã rồi.
Hiện giờ, công thức để chiến thắng với tuyển Việt Nam giờ chỉ có duy nhất cách đá rình rập, phá lối chơi của đối thủ và chớp thời cơ tốt thôi. Như Thái Lan bắt chước cách đá của Nhật Bản khả năng thành công cũng chỉ là con số "0" vì đá vậy chỉ tầm 60 phút là chạy hết nổi. Với tầm vóc, gen và chế độ dinh dưỡng của Việt Nam thì muốn sản sinh ra lứa cầu thủ tốt, đồng đều như Nhật, Úc với Hàn, chắc phải vài thế hệ nữa. Từ giờ cho đến thời điểm đó, lối chơi này vẫn phù hợp để đưa Việt Nam đến với chiến thắng nhất.
Nhận định về định hướng để phát triển nền bóng đá nước nhà, bạn đọc Dong DA chia sẻ:
Nếu nói đúng thành tích và màn trình diễn cấp châu lục, ở một khoảng thời gian, phong độ, sự bất ngờ, may mắn... hội tụ, Việt Nam có thể làm nên vài niềm vui cho NHM, nhưng cuối cùng vẫn chưa có gì vượt bậc cả. Muốn phát triển, Việt Nam phải đổi ngay V-League, nhưng trước hết là phải có thêm mạnh thường quân đầu tư, mà điều này cực khó với kiểu tổ chức nghiệp dư hiện nay. Lò đào tạo tốt cỡ nào, mà không có giải VĐQG tốt cũng thua. Đừng lấy Croatia, Iran hay Uruguay làm ví dụ, vì trình độ và kinh nghiệm xuất ngoại của họ rất cao rồi, không như cầu thủ Việt ra Nhật Bản hay Hàn Quốc còn không nổi. Phải lấy V-League làm gốc, nhưng cứ đà này, e rằng 5 năm nữa cũng không có gì đột phá.
Nói thẳng ra thì cứ chấp nhận nền bóng đá Việt Nam chưa bằng Thái Lan, sĩ diện hão làm gì để rồi mãi mù quáng? Nhìn thẳng vấn đề để còn dõi theo bóng đá Việt Nam một cách bình tĩnh và tỉnh táo. Nhắc một ví dụ thôi, Bahrain đã từng đá playoff tranh vé dự World Cup 2006, nhưng thất bại trước Trinidad & Tobago, dù họ chưa bao giờ được xem nằm trong top 10 châu Á. Và sau cột mốc đó, họ cũng không có gì nổi bật. Việc Việt Nam nằm ngoài top 15-20 ở năm 2018, nhưng vào tận chung kết U23 châu Á (ở năm mà các nước cho U21 cọ xát là chính) còn phi thường hơn nhiều.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.