Thắng thua trong bóng đá là chuyện hết sức bình thường. Ai chiến thắng mà không từng thất bại, ai nên khôn mà không ngã nhiều lần? Thua ở một giải trẻ lại càng bình thường hơn nữa. Cỡ như Đức, Pháp, Ý là đương kim vô địch World Cup vẫn còn phải về nước ngay vòng bảng, thì Á quân giải trẻ như Việt Nam thua trận là quá bình thường. Cầu thủ trẻ, giải trẻ, họ đá bản năng, cảm hứng, rất sôi nổi, hứng khởi với nhiều kỳ tích không ngờ, nhưng cũng dễ dàng "tàng hình", "mất tích", phong độ trồi sụt, là chuyện đương nhiên, tất yếu của tuổi trẻ.
Chúng ta thường hay đổ thừa thất bại do trình độ lứa trẻ, do phong độ, do vận may... nhưng ít ai hiểu rằng giải này các đội "đá thật" vì tấm vé Olympic, điều này hoàn toàn khác những giải mà Úc, Hàn, Nhật... chỉ cho cầu thủ 18, 19 tuổi đi đá để tích lũy kinh nghiệm như mọi năm. Lần này, các đội đá quyết liệt từng phút, toan tính rất nhiều, trình độ cũng rất đồng đều. Ngay cả Iran, Nhật, Quatar cũng đều bị loại, đương kim vô địch Uzbekistan cũng hút chết, Úc cũng chỉ vượt qua vòng bảng vào phút cuối, điều đó cho thấy trình độ các đội sít sao như thế nào?
Trong khi đó, Việt Nam thực lực chỉ mới nổi, như "ngựa ô" của giải, tức là "có tiềm năng" cũng như bao tiềm năng khác, chứ nói chúng ta "cùng mâm" với Úc, Hàn, Nhật là ảo tưởng. Thái Lan có đáng ghét đến mấy với nhiều NHM Việt, nhưng sự thật họ hơn ta, là "anh cả" Đông Nam Á từ xưa. Nếu Việt Nam cũng thắng họ liên tục, đá với họ như dạo chơi, đặt mục tiêu cao hơn, thì mọi chuyện có lẽ đã khác. Vậy nên khi Thái vào Tứ kết, còn ta bị loại, CĐV cũng đừng nên sân si với họ rồi xấu hổ vì đội nhà.
Xây một nền bóng đá mạnh không phải ngày một ngày hai, không phải chỉ có một hai lứa cầu thủ tài năng là được. Nhật, Hàn đi trước chúng ta cỡ 20-40 năm; Đức, Ý, Brazil thậm chí còn bỏ cách Việt Nam 50-70 năm; ngay cả Thái Lan cũng có nền tảng hơn chúng ta rất nhiều. Chỉ cần nhìn chất lượng sân thi đấu của họ, thì sân quốc gia Mỹ Đình cũng chỉ như sân bóng đội hạng hai.
Trong bóng đá, yếu tố tinh thần, bất ngờ là điều không thể thiếu, nó truyền cảm hứng, tạo nên những "phép màu" có thể đến bất cứ lúc nào. Những màn bùng nổ phút cuối, những câu chuyện cổ tích đời thường, những đội bóng nhỏ quật ngã gã khổng lồ... tất nhiên vẫn xảy ra nhưng rất hiếm.
Vậy nên muốn đội bóng thành công, luôn phải có nền tảng, phải vững bền, phải thực tế. Lứa trẻ cần được rèn luyện nhiều, cho va vấp, té ngã, thất bại nhiều, thì mới vững vàng, trưởng thành được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.