Chứng kiến hình ảnh nhiều căn nhà siêu mỏng xuất hiện sau khi giải tỏa làm dự án, đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh, TP HCM, nhiều độc giả VnExpress chỉ ra những hệ lụy tiêu cực:
Những căn nhà siêu mỏng được xây dựng trong một thành phố phát triển sẽ gây nhiều hệ luỵ.
1. Về giấy phép xây dựng, nếu đồng ý chấp thuận cho các căn nhà siêu mỏng được mọc lên, sẽ tạo tiền lệ cho các căn nhà siêu mỏng khác được hợp thức hoá trên toàn thành phố.
2. Điều kiện sống không đảm bảo.
3. Dễ dẫn đến việc lấn chiếm diện tích chung và mất trật tự trong khu vực.
Giải tỏa mặt bằng theo nguyên tắc đúng và đủ như quy hoạch, nhu cầu sử dụng, nhưng thiếu linh hoạt và vận dụng theo thực tế và mỹ quan đô thị. Nếu linh hoạt hơn, khi giải tỏa đền bù, nên thỏa thuận với các chủ hữu nhà siêu mỏng còn lại để giải tỏa hết phần đất còn lại. Như vậy quy hoạch sẽ tốt hơn.
Đã bỏ tiền đền bù để giải phóng mặt bằng mà sao không giải tỏa hết căn nhà luôn? Làm thế này cũng như không. Còn chút diện tích, họ mở ra buôn bán, lấn chiếm thì sao? Vì con đường Bùi Đình Túy này rất hẹp, nên đã làm thì hãy làm cho triệt để.
Không chỉ TP HCM mà ở Hà Nội, cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước, cũng bị tình trạng có những căn nhà siêu mỏng xuất hiện sau mở đường. Nếu chúng ta muốn phát triển đô thị đẹp thì các ban ngành nên có những quy chế, cũng như giải pháp cho những căn nhà siêu mỏng này khi có dự án đi qua. Không thể để những căn nhà siêu mỏng này làm xấu đi hình ảnh của đất nước, làm những con đường mới hàng nghìn tỷ trở nên nhếch nhác.
Gợi ý giải pháp xử lý triệt để hiện tượng nhà siêu mỏng sau mở đường, không ít ý kiến chia sẻ:
Cái giá của việc phát triển không có quy hoạch. Đã vậy rồi thì cũng nên đền bù hết phần diện tích còn lại chứ. Phần đất không sử dụng có thể làm các công trình công cộng như bãi đỗ xe, cây ATM, WC công cộng... Tuy thời điểm này có thể chưa cần, nhưng 10 năm sau sẽ cần, lúc đó phí đền bù lại cao gấp ba, bốn lần.
Đã có quy định về diện tích nhà ở tối thiểu, do đó, khi chỉnh trang đô thị, chúng ta cần quyết tâm loại bỏ nhà siêu nhỏ, siêu mỏng để bộ mặt đô thị đẹp và người dân được ở khang trang. Ví dụ, có thể thu hồi diện tích còn lại để làm vườn hoa, nhập vào nhà phía sau... TP HCM cần nhanh nhạy hơn trong chỉnh trang đô thị.
Thay vì thu hồi đến ranh giới mở rộng của đường thì sao không thu hồi luôn thêm 15-20m nữa? Phần đất này có thể đấu giá đất nền hay xây dựng nhà theo tiêu chuẩn đồng bộ và bán đấu giá. Như vậy, vừa tránh được nhà siêu nhỏ, siêu mỏng. Đồng thời mặt tiền cũng được quy hoạch một cách bài bản, đẹp đẽ.
Đề nghị khi giải phóng mặt bằng, nếu mảnh đất và nhà nào có hai chiều dưới hai mét thì nên thu hồi hết luôn. Phần đó sẽ được quy hoạch làm cây ATM, WC công cộng, trồng cây xanh... để tránh tình trạng xuất hiện nhà quá mỏng hoặc những cản trở khác... Rất mong toàn bộ người dân hãy xem xét rồi tự quy hoạch khu vực của mình bằng cách hoán đổi đất cho nhau để mở đường thông cho những con đường ngoằn ngoèo, nhỏ bé thành đường sá rộng hơn, thoáng hơn... Đổi đất để những mảnh đất vuông vắn hơn... Vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của chính quyền khu vực, hãy sử dụng những khu ruộng giáp với khu dân cư hoặc khu đất công để quy hoạch đổi đất làm đường cho khu vực đường sá rộng rãi đi lại thuận tiện...
>> Theo bạn, nên xử lý những căn nhà siêu mỏng này thế nào? Gửi bài tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.