Chiều 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Điều 84 dự Luật này bổ sung nội dung cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có vi phạm.
Đại biểu Phạm Văn Hoà cho rằng, việc bổ sung nội dung trên là phù hợp với thực tiễn vì thời gian qua nhiều trường hợp nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện sai phạm nhưng tổ chức gặp khó trong xử lý kỷ luật do luật hiện hành chưa quy định cụ thể.
"Đây là quy định cần thiết để răn đe cán bộ, công chức, sao cho khi làm việc phải đề cao trách nhiệm cá nhân", ông Hoài nói và nêu thực trạng nhiều trường hợp cán bộ trước khi nghỉ hưu đã tìm kiếm lợi ích cục bộ cho bản thân, tư duy nhiệm kỳ và sau đó "hạ cánh an toàn"...
Đại biểu Mong Văn Tình đề nghị Quốc hội làm rõ hình thức kỷ luật "xóa tư cách" chức vụ mà cán bộ đã đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm. Theo ông, việc "xóa tư cách" chỉ là "xóa cái danh" của cán bộ, công chức đó. "Quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh như hệ số phụ cấp, thưởng... thì có bị truy thu hay không?", đại biểu Tình nêu vấn đề.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp thu ý kiến đại biểu và cho biết "sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như tính pháp lý của các hình thức kỷ luật cán bộ, công chức khi họ đã nghỉ hưu".
Dự thảo Luật cũng bỏ hình thức kỷ luật "giáng chức", giữ lại bốn mức kỷ luật khác là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đồng tình với nội dung trên và cho rằng "việc áp dụng hình thức giáng chức dễ dẫn tới tình trạng nể nang, né tránh, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật".
Ngoài ra, bà Phúc cho rằng, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức sẽ xung đột với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm, bởi giáng chức thực chất là bổ nhiệm vào vị trí chức vụ thấp hơn, trong khi vị trí đó đã xác định đủ số lượng lãnh đạo quản lý. Hơn nữa, người bị kỷ luật giáng chức mà vẫn công tác tại cơ quan cũ, thuộc lĩnh vực chuyên môn cũ sẽ gây khó khăn cho lãnh đạo mới trong thực thi nhiệm vụ.
Đại biểu Tô Văn Tám thì đề nghị giữ lại hình thức kỷ luật "giáng chức" vì "phù hợp nguyên tắc có thăng, có giáng trong công tác cán bộ".
Chung ý kiến, đại biểu Mong Văn Tình phân tích, đối với nhiều cán bộ, công chức có vi phạm, dù chưa đến mức phải cách chức hay buộc thôi việc nhưng nếu chỉ hạ bậc lương hay cảnh cáo, khiển trách thì quá nhẹ; vì vậy, nên giữ mức "giáng chức" để áp dụng với những trường hợp này.
Ông lấy ví dụ, trưởng phòng khi bị giáng chức sẽ xuống phó phòng, còn cách chức là làm mất hết chức vụ của người đó, phủ nhận hết mọi đóng góp của họ trong quá trình dài, trong khi người này chỉ vi phạm trong lúc làm trưởng phòng.
"Việc áp dụng giáng chức sẽ tiếp tục tận dụng chất xám của cán bộ đó tại vị trí việc làm gắn bó lâu năm, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ sửa sai, tiếp tục phấn đấu vươn lên", ông Tình nói.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đến nay Bộ chưa nhận được báo cáo về việc áp dụng hình thức giáng chức với bất cứ cán bộ, công chức nào; chỉ có việc giáng cấp sỹ quan có vi phạm trong lực lượng vũ trang.
Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2019.
Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có nhiều lãnh đạo dù nghỉ hưu nhưng vẫn bị xử lý kỷ luật.
Tháng 1/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết và sau đó Thủ tướng ra quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Tháng 8/2017, Thủ tướng quyết định xoá tư cách nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Võ Kim Cự.
Tháng 10/2018, Thường vụ Quốc hội quyết định xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nhiệm kỳ 2011 -2016 với ông Nguyễn Bắc Son.