Sáng 24/10, trình bày báo cáo giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều đại biểu tán thành bổ sung quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu và bị phát hiện có vi phạm trong thời gian công tác.
Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng dự án Luật phải quy định rõ việc kỷ luật kèm theo hệ quả pháp lý về vật chất, tinh thần.
Tiếp thu ý kiến trên, dự thảo Luật đã bổ sung nguyên tắc gắn xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. "Đối với từng hình thức kỷ luật cảnh cáo, khiển trách hay xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có vi phạm thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo, ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng", ông Định nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định nêu trên chưa thật hợp lý. Theo ông, việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo đồng bộ giữa kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính là cần thiết. Tuy nhiên, thống nhất không có nghĩa là bên đảng kỷ luật như thế nào thì bên hành chính phải có hình thức kỷ luật như vậy.
"Cần phải hiểu sự đồng bộ là về tính chất, sự nghiêm khắc của chế tài chứ không phải là quy định mức kỷ luật với tên gọi giống nhau, vì giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, quy định "xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm" như dự thảo Luật có nhiều bất hợp lý. Vì về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là "tư cách chức vụ"; ngoài ra hình thức kỷ luật này không tương thích với quy định về trách nhiệm hình sự. Đơn cử, theo Luật Hình sự, nếu một cán bộ cấp cao bị xử đi tù thì họ vẫn không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Tương tự, nếu cán bộ, công chức bị kỷ luật ở mức cao nhất là buộc thôi việc thì họ cũng không bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.
"Điều này tạo ra bất hợp lý là người gây hậu quả nghiêm trọng, phải đi tù thì không bị xoá tư cách chức vụ trước đó, còn người khác dù có vi phạm nhưng chưa bị đi tù thì lại bị xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm", ông Hiển phân tích.
Theo ông, quy định trên còn tạo sự tranh cãi không cần thiết về hệ quả pháp lý của việc "xoá tư cách chức vụ", đó là những văn bản, quyết định người này ký trước đây có còn hiệu lực không?
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ông Hiển cho hay ở Đức quy định công chức đã nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về những vi phạm của mình lúc đương chức, hình thức kỷ luật là giảm và truất lương hưu vĩnh viễn; người bị kỷ luật sẽ không còn có quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng...
"Tôi thấy quy định này logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn Việt Nam", ông Hiển nói và đề nghị không nên quy định xoá tư cách chức vụ đã đảm nhiệm của cán bộ, mà xử lý theo hướng tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân huy chương.
Ông Nguyễn Hồng Vân - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên thì cho rằng, cán bộ đã nghỉ hưu nghĩa là hết chức vụ, không còn trong biên chế. Người nghỉ hưu đã về địa phương và không hưởng lương ngân sách mà hưởng lương bảo hiểm. Vì vậy, đưa các trường hợp này vào diện điều chỉnh của dự Luật sẽ rất khó.
Đồng tình phải có hình thức kỷ luật với cán bộ về hưu bị phát hiện sai phạm khi đương chức, song ông Vân nói, khi cán bộ bị xoá tư cách, cơ quan chức năng "chỉ có thể tước bỏ quyền lợi vật chất đặc thù của họ chứ không thể cắt lương hưu".
Ông Vân cũng cho rằng quy định "xóa tư cách chức vụ" sẽ dẫn đến hệ luỵ pháp lý là những quyết định, bằng cấp người đó ký khi đương chức thì có bị "xóa hiệu lực" hay không? "Chỗ này còn vướng mắc, ban soạn thảo nên xem xét dành hẳn một chương riêng trong Luật để quy định rõ", ông Vân đề nghị.
Đây là lần thứ hai dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được trình xin ý kiến Quốc hội; dự kiến thông qua vào ngày 25/11.
Từ năm 2016 đến nay, hàng loạt lãnh đạo dù đã nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật cách các chức vụ trong Đảng và xóa tư cách chức vụ hành chính từng đảm nhiệm.
Đầu tiên là trường hợp ông Nguyễn Huy Hoàng, tháng 11/2016 bị Ban Bí thư kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016). Lúc này, Ban Bí thư đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội kỷ luật về hành chính đối với ông Hoàng "bảo đảm đồng bộ, kịp thời với kỷ luật đảng".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã ra nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương với ông Hoàng; và giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra khỏi bộ máy nhà nước.
Quy định "xóa tư cách chức vụ" được Bộ Nội vụ đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức là để thể chế hóa chỉ đạo nêu trên. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn nhiều tranh luận và để ngỏ trường hợp lãnh đạo giữ chức vụ từ hai nhiệm kỳ trở lên (nếu xóa một nhiệm kỳ thì các nhiệm kỳ còn lại như thế nào?).
Tháng 9 vừa qua, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến bị xóa tư cách nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân sau khi nhận kỷ luật đảng; ông Nguyễn Hồng Trường cũng bị xoá tư cách nguyên Thứ trưởng Giao thông Vận tải (giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2017) vì có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng và Ban Bí thư đã kỷ luật về đảng...
Viết Tuân - Hoàng Thuỳ