Thời gian qua, hết tích phân, đạo hàm rồi lại đến 7 hằng đẳng thức đáng nhớ bị đem ra mổ xẻ, tranh luận xem có có giá trị trì, có đáng để bắt học sinh phổ thông phải học hết hay không?
Thực ra, đó đều là công thức cơ bản, những kiến thức nền của Toán học nói riêng và các môn khoa học nói chung, không có gì gọi là đánh đố cả. Kể cả 7 hằng đẳng thức thật ra cũng là triển khai từ những phép toán mà chúng ta thường dùng. Bạn có thể không nhớ chúng, nhưng sẽ mất nhiều thời gian để tính toán, lần lại khi cần thiết, nên người ta mới gọi là "đáng nhớ".
Còn những kiến thức cơ bản như trị tuyệt đối hay lim thì trong sách giáo khoa đều đề cập và giải thích đầy đủ, tôi mong mọi người có thể tìm hiểu kỹ lại trước khi so sánh để có được đánh giá khách quan. Dù sao, tôi cho rằng những kiến thức nền tảng vẫn nên biết và nên học ở bậc phổ thông. Sau này, chúng ta có thể dùng đến hay không lại là chuyện khác, vì không ai biết trước được tương lai mình sẽ làm gì?
Còn về kỹ năng sống, tôi thấy các nhà trường hiện nay vẫn đang thực hiện giáo dục đủ cho các em. Ở đây, câu chuyện còn liên quan đến sự phối hợp của gia đình các em nữa. Chính thái độ của phụ huynh với những môn đó sẽ quyết định chất lượng học của học sinh. Ví dụ, những môn như Công nghệ hay Giáo dục công dân đều liên quan khá nhiều đến kỹ năng sống, nhưng đang chưa được chú trọng. Vậy nên, chúng ta cần phải thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh chứ không riêng gì trách nhiệm của hệ thống giáo dục.
>> Học sinh Việt phải đánh vật với '7 hằng đẳng thức đáng nhớ'
Mặt khác, tôi thấy bây giờ, những thứ như kỹ năng mềm hay ngoại ngữ đang bị thần thánh hóa, đề cao quá mức so với kiến thức chuyên môn. Thực ra, đó cũng chỉ là những phương tiện để chúng ta sử dụng trong khi làm việc, giúp công việc chuyên môn được dễ dàng và trơn tru hơn. Còn cái cốt yếu nhất vẫn cần yếu tố chuyên môn vững vàng thì mới có thể làm việc hiệu quả được. Kỹ năng mềm hay kỹ năng sống chủ yếu đóng vai trò bổ trợ mà thôi.
Tôi thấy những thứ mà môn Toán dạy ở bậc phổ thông của ta là khá dễ hiểu và cơ bản ở mức bề mặt. Hoàn toàn không quá chuyên sâu hoặc hàn lâm gì nếu so với môn Toán ở những bậc cao hơn. Hơn nữa, những môn định hướng kỹ năng sống hay sửa chữa đồ đạc trong nhà cũng đều dạy đầy đủ, chủ yếu do tâm lý học sinh có muốn học hay không?
Chương trình phổ thông của ta vẫn có đủ từ nấu ăn đến điện dân dụng... (học nghề) và muốn học môn nào là do học sinh lựa chọn. Có điều, bản thân phụ huynh Việt lại đang áp đặt tư tưởng của mình (trọng bằng cấp, thành tích), khiến những môn này bị coi là môn phụ.
Tóm lại, chương trình Toán về tích phân, đạo hàm và cả 7 hằng đẳng thức ở bậc phổ thông hiện nay chỉ chủ yếu là giới thiệu và ứng dụng đơn giản, gần như chỉ là thay số vào công thức đã cho, rất rõ ràng. Tôi chỉ không hiểu sao nhiều người lại dị ứng với nó, cho rằng kiến thức quá hàn lâm, đánh đố?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.