"Tôi có việc đến khu nhà ở xã hội. Điều khiến tôi ngạc nhiên là nơi đây mang tiếng là dành cho những người có thu nhập thấp nhưng xung quanh toàn thấy ôtô đẹp của cư dân. Thế mới thấy tôi có khi còn khó khăn hơn người sở hữu nhà ở xã hội có 'thu nhập thấp'. Bây giờ lại có cả người nước ngoài ở nhà xã hội thì quả thật chẳng hiểu nổi".
Đó là chia sẻ của độc giả Hạt ớt tình trạng người nước ngoài thuê, sống trong các khu nhà xã hội tại hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh - hai thủ phủ công nghiệp phía Bắc. Theo Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8, chính sách hỗ trợ thuê, mua nhà ở xã hội dành cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo; người thu nhập thấp; công nhân, lao động làm việc tại khu công nghiệp... So với trước đây, thân nhân liệt sĩ, công chức, viên chức quốc phòng được bổ sung vào nhóm nhận chính sách hỗ trợ này. Tuy nhiên, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà xã hội.
Cùng chung nỗi băn khoăn khi đối tượng ở nhà xã hội đang đi ngược với chính sách ban đầu, bạn đọc Luong.nc bình luận: "Tôi cũng có người đồng nghiệp cách đây gần chục năm cũng mua nhà ở xã hội rồi cho thuê hết. Nhà xã hội ở nơi tôi đang sống cũng có tình trạng ôtô đậu kín, chưa kể còn mọc thêm một bãi trông giữ ôtô tư nhân lớn mọc lên ở bên cạnh nữa".
>> 'Tôi thu nhập 30 triệu đồng nhưng không được mua nhà ở xã hội'
Nói về thực trạng mua nhà ở xã hội với mục đích cho thuê lại, độc giả Người tử tế cho rằng: "Nơi tôi sống, cứ 7h sáng là toàn thấy xe sang đi ra từ khu nhà ở xã hội. Buổi chiều, khoảng 18h lại thấy người ta nô nức lái ôtô từ ngoài quay về. Thực tế, rất nhiều nhà ở xã hội được đăng cho thuê lại loanh quanh mức 7-10 triệu đồng một tháng (chưa nội thất)".
"Nhà ở xã hội là một chính sách nhằm giúp đỡ với người có thu nhập thấp. Nhưng hiện nay, tình trạng lái ôtô đi mua nhà ở xã hội diễn ra rất phổ biến. Để chấm dứt tình trạng này, theo tôi nên có quy định cụ thể rằng người mua nhà ở xã hội không được phép cho thuê lại, chống tình trạng làm giả hồ sơ. Người mua nhà ở xã hội có thể bán, nhưng chỉ được bán cho người đủ điều kiện đăng ký mua nhà ở xã hội", bạn đọc Dung Tran nói thêm.
Trong khi đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý sử dụng nhà ở xã hội, độc giả EMP kết lại: "Người nước ngoài thuê nhà xã hội không phải là vấn đề, vì họ cũng đâu biết nhà đó là gì, thấy cho thuê thì thuê thôi. Phần gốc chính là những cá nhân mua nhà xã hội để cho thuê hay bán lại. Đó chính là kẻ hở của luật.
Đáng lý, nhà xã hội không nên cho phép mua để cho thuê, trừ khi chính nhà nước đứng ra cho thuê. Quan trọng hơn, nhà xã hội càng không nên cho phép sang nhượng nhằm kiếm lời. Một điều hiển nhiên là nếu bán lại với giá cao hơn lúc mua sẽ thương mại hóa căn nhà, khiến nó mất đi ý nghĩa ban đầu và không chỉ dành cho người lao động thu nhập thấp nữa".
- Nỗi khổ những người 'không đủ khó khăn' để mua nhà ở xã hội
- 'Nhà ở xã hội chưa phù hợp với công nhân khu công nghiệp'
- 'Nhà ở xã hội có thời hạn thay vì trọn đời'
- Thay đổi tư duy bán nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
- Nhà ở xã hội hướng tới người lao động có đóng thuế
- 'Người có xe hơi vẫn mua được nhà ở xã hội'