Doanh số Honda CR-V giảm dần từ nửa cuối 2020 trở về sau, khi hãng này chuyển sang lắp ráp trong nước thay vì nhập khẩu Thái Lan. Kể từ đó, vị trí thứ hai thường xuyên được nắm giữ bởi CR-V được chuyển sang cho Tucson, mẫu xe Hàn Quốc cũng được lắp ráp trong nước nhưng bởi Hyundai Thành Công. Đến tháng 4/2022, cục diện phân khúc có sự đổi khác khi CR-V bùng nổ trở lại.
Trong tháng 4, Honda CR-V bán đến 2.093 xe, mức cao nhất tính từ 2021 trở lại đây. Luỹ kế mẫu CUV của Honda đạt 4.638 xe, gần bằng doanh số của cả năm 2021 (5.854 xe). So với cùng kỳ 2021, doanh số mẫu xe tăng đến 158%.
Doanh số tháng 4 của CR-V nhỉnh hơn đối thủ CX-5 hơn 200 xe và dẫn dầu phân khúc. Lượng bán của CR-V bỏ xa Hyundai Tucson (580 xe), Outlander (592 xe). Luỹ kế, doanh số mẫu xe Honda xếp sau Mazda CX-5.
Lượng bán của CR-V tăng đột biến nhờ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Đầu tiên là đối thủ Hyundai Tucson vừa sang thế hệ mới, nhu cầu cao nhưng ảnh hưởng bởi nguồn cung linh kiện lắp ráp bị gián đoạn khiến nhà máy không đủ xe hoàn chỉnh giao cho đại lý.
Honda cũng chịu ảnh hưởng bởi nguồn cung nhưng không nặng như Tucson. Hiện khách hàng đặt mua xe Tucson có thể chờ 2-3 tháng mới được nhận xe, trong khi CR-V hoặc có xe giao ngay hoặc chờ khoảng một tháng.
Một yếu tố khác giúp doanh số CR-V tăng cao là nhu cầu cần xe ngay của khách hàng để kịp "chạy" ưu đãi lệ phí trước bạ giảm 50% cho xe lắp ráp sẽ kết thúc vào 1/6. "Những mẫu xe có hàng sẵn ở giai đoạn này có lợi thế hơn, CR-V là một kiểu như vậy", quản lý bán hàng một đại lý Honda ở TP HCM cho biết.
CX-5 vẫn duy trì mức bán tốt với doanh số 1.843 xe ở tháng 4. Đây là mức cao nhất từ đầu 2022 của mẫu xe Mazda. CX-5 cũng ở vị trí thuận lợi để tăng doanh số như CR-V nhưng nguồn cung không dồi dào bằng đối thủ. Ở nhóm cuối, Mitsubishi Outlander vẫn bán chậm nhất, doanh số sau 4 tháng đạt hơn 1.700 xe.
Phân khúc CUV cỡ C có các mẫu xe khác như Subaru Forester, Volkswagen Tiguan, MG HS nhưng các nhà phân phối không công bố số liệu bán hàng cụ thể.
Phạm Trung