(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Đó chỉ là một dòng chữ mang tính xã giao, hay thực sự là một lời xin lỗi chân thành ẩn chứa đằng sau nó sự hỗn loạn của giao thông công cộng ở TP HCM hay Hà Nội?
Xe buýt là phương tiện công cộng được hưởng nhiều ưu tiên, vì lợi ích xã hội, kinh tế to lớn do nó mang lại. Vậy tại sao xe buýt phải xin lỗi xe cá nhân (xe máy, ôtô...) khi làm một việc thường tình là ra vào trạm, đưa đón rất nhiều người? Những người đi xe buýt đang đóng góp rất nhiều để giảm kẹt xe, hy sinh lợi ích cá nhân của mình.
Xe buýt lẽ ra phải được hưởng ưu tiên có phần đường dành riêng cho mình. Nhưng xe buýt ở ta bấy lâu nay phải đi chung đường, cạnh tranh với ôtô, xe máy cá nhân. Việc chung chạ này dẫn tới xung đột giữa các phương tiện giao thông xảy ra như cơm bữa. Xe máy ôtô, hàng rong thường xuyên chèn ép xe buýt, chiếm chỗ trạm dừng, khiến các tài xế xe buýt cực kỳ vất vả và gặp hiểm nguy khi ra vào trạm.
>> Xe buýt vẫn chạy ẩu và lô cốt vẫn chây ỳ - lời 'xin lỗi' đang bị lạm dụng?
Tuyến xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội bị rất nhiều người dè bỉu, chê bai, và xâm phạm. Nhiều tài xế xe buýt, với áp lực bị trừ lương khi về bến trễ, đang chạy hết tốc lực lại dừng và rẽ đột ngột vào trạm đón khách, làm xe máy bị nghẽn. Nhiều người đi xe máy đã bị thương, tử vong do va chạm với xe buýt.
Nhiều vụ lùm xùm tai nạn xảy ra, phía sau đuôi những chiếc xe buýt bèn mọc lên hàng chữ: "Xin lỗi đã làm phiền khi ra vào trạm", như một lời xoa dịu.
Hồi mới gắn dòng chữ này, nhiều người tặc lưỡi nói cảm thấy ruột gan mát mẻ vì bấy lâu nay bị những ông hung thần đường phố này bắt nạt, nay rốt cuộc đã chịu lên tiếng xin lỗi rồi đó.
Từ cái nhìn cá nhân tôi cảm thấy như thế. Còn ở góc độ quản lý xã hội, đây là một nghịch lý lớn lao. Nếu tài xế xe buýt vi phạm, hãy căn cứ vào luật giao thông để xử phạt anh ta làm gương. Ai sai phạm, xử người đó. Làm sao có chuyện một hệ thống phương tiện công cộng gặp quá nhiều trở ngại đã phải xin lỗi để làm hài lòng số đông người đi xe cá nhân?
Khi tuyến buýt nhanh BRT ở Hà Nội xuất hiện, lẽ ra nhiều người phải vui mừng vì sắp được từ bỏ xe máy thì người ta nghi ngờ về độ hữu dụng và cần thiết của nó. Và quả thật, qua gần 5 năm, tuyến BRT này vẫn gây nghi ngờ, và xe máy cứ lấn làn và chẳng có ai thèm đi buýt nhanh.
Chẳng phải dễ dàng gì để sắp xếp và quy hoạch việc đi lại cho hơn chục triệu người dân thành phố (số người lại tăng thêm theo từng năm). Khó nhưng chẳng phải bất khả thi.
>> 'Xe buýt, ôtô và xe máy không thể nào sống chung được nữa'
Hà Nội, Sài Gòn đã mấy chục năm xây dựng và phát triển nhưng lại không có hệ thống phương tiện giao thông công cộng ra hồn thì thật khó chấp nhận. Xung đột xe buýt- xe máy vẫn là bài ca muôn thuở.
Mọi chuyện không khó giải quyết, vấn đề là các nhà quản lý phải ra tay ngay lập tức. Xe buýt ở Hà Nội và TP HCM phải được hưởng đặc quyền lớn hơn nữa vì những lợi ích của nó. Còn sai phạm của chủ xe buýt, của các tài xế thì cứ theo luật mà xử công minh, cái nào ra cái nấy. Không để những lỗi nhỏ nhấn chìm cả một hệ thống giao thông công cộng văn minh.
Sài Gòn sắp có tuyến tàu điện đầu tiên. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để Sở Giao thông bắt tay làm một cuộc cách mạng cho xe buýt của thành phố, giải pháp thì đã có rất nhiều rồi, chỉ cần vào cuộc.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hoàng Phong