Tôi chưa thấy đô thị nào phát triển, văn minh và hiện đại mà phương tiện công cộng không đáp ứng nhu cầu người dân trong đi lại.
Giao thông công cộng càng yếu kếm thì phương tiện cá nhân càng tăng, càng khó quản lý và tổ chức giao thông, mất an toàn giao thông, xảy ra tai nạn. Nghĩa là giao thông công cộng và phương tiện cá nhân không thể "sống chung", cùng phát triển, chính quyền phải chọn một trong hai, nếu cứ dùng dằng thì chẳng tới đâu cả.
Nhiều nước phát triển chuyên sản xuất ôtô, giá bán lại rẻ, số đông người dân sở hữu nhưng cân nhắc khi sử dụng ôtô. Cậu tôi ở Mỹ thường sử dụng ôtô đi quãng đường xa hay ra khu vùng ven hoặc du lịch ngắm cảnh dã ngoại, làm việc hàng ngày trong thành phố đều sử dụng phương tiện công cộng vì đi ôtô rất bất tiện và giá đậu xe đắt đỏ mà tìm chỗ gởi xe không hề đơn giản. Ngoài ra, lái ôtô trong thành phố càng chậm hơn đi bộ.
>> 'Thế hệ chúng tôi không muốn thấy xe máy đầy đường Việt Nam nữa'
TP HCM thường xuyên kẹt xe, nhất là khu vực trung tâm vào giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều, nguyên nhân chính là quá tải phương tiện cá nhân cả ôtô lẫn xe máy. Đối tượng đi xe buýt thường là học sinh, sinh viên, người lớn tuổi, người lao động... Hiếm khi thấy giới công chức đi làm bằng xe buýt, thay vào đó là sử dụng xe máy và ôtô. Nếu một lượng lớn giới công chức đi làm bằng xe buýt vừa tạo sự gần gũi, thân thiện với người dân, sẽ giảm hẳn lượng xe cá nhân lưu thông trên đường vào khung giờ cao điểm.
Tổn thất bởi kẹt xe đâu chỉ mất thời gian, người tham gia giao thông mệt mỏi, giảm chất lượng sống mà còn thiệt hại lớn về kinh tế. Hành hóa chậm luân chuyển, người dân đi lại chậm trễ, ô nhiễm môi trường, nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác... Theo thống kê năm 2018, trung bình mỗi giờ kẹt xe thành phố phải chịu thiệt hại tới khoảng 2,4 tỷ đồng.
Tôi cho rằng, xe buýt là phương tiện chủ đạo để kéo nối giao thông hiện nay cho thành phố và trong tương lai là lúc đưa vào sử dụng các tuyến metro. Nhiều giải pháp tạo tiện ích cho xe buýt đã được thực hiện như tăng cường xe buýt chất lượng cao, thay thế xe cũ bằng xe mới, phục vụ tốt hơn, có xe còn trang bị máy điều hòa... Trở ngại cho người đi xe buýt có lẽ là di chuyển chậm, không đảm bảo thời gian, bỏ chuyến bỏ trạm khi kẹt xe. Thế là xe buýt không thu hút đông đảo hành khách, không đạt mục tiêu như đã đặt ra.
>> Lộ trình cấm xe máy là 'bảo chứng' để tư nhân đầu tư tàu điện
Nhiều người hy vọng khi hoàn thành các tuyến metro sẽ vận tải hành khách với khối lượng lớn, giúp giải quyết nhu cầu đi lại bằng giao thông công cộng. Nhưng nỗi lo là đến khi hoàn thành các tuyến metro, mất thời gian khá lâu, có khi chờ hàng chục năm. Ngoài ra, mỗi tuyến metro đưa vào sử dụng phải được kết nối giao thông và cho thấy sự tiện lợi hơn xe cá nhân về đi lại, giá rẻ, thời gian để người dân bỏ xe cá nhân, chuyển qua sử dụng giao thông công cộng. Lúc đó, phải có xe buýt kết nối giữa các tuyến metro.
Cần tạo điều kiện cho xe buýt ngay từ bây giờ bằng cách dành làn đường riêng để lưu thông nhanh, an toàn, đúng giờ. "Gây khó" cho xe cá nhân để thu hút hành khách đi xe buýt như dành làn riêng cho xe buýt, mặt đường sẽ bị thu hẹp, ùn tắc phương tiện cá nhân. Lúc đó, ai đi xe buýt sẽ thuận lợi và nhanh hơn ô tô hoặc xe máy. Bên cạnh thu phí ô tô, không làm thêm bãi đậu xe hay giữ xe trong khu vực trung tâm, người sử dụng ô tô sẽ thấy bất tiện hơn đi xe buýt.
Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ phía người dân mà còn là từ các cơ quan, ban, ngành thuộc nhà nước mà trước tiên là giới công chức hãy đi làm bằng xe buýt để tuyên truyền thông qua hành động cụ thể, tác động trực tiếp nhất tới từng cá nhân, hạn chế dùng xe cá nhân, khuyến khích sử dụng xe buýt.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Trần Ngọc Thanh