Một trong những lý do tôi rời Sài Gòn là... giá nhà. Ở thành phố, với mức lương nhà nước (của tôi) và tư nhân (của vợ) phải mất gần cả chục năm (không tiêu pha) mới mua được.
Sau khi từ bỏ giấc mộng mua nhà phố, chúng tôi dồn số tiền tích góp để xây nhà ở quê. Nhưng đúng thời điểm sốt đất và bão giá xây dựng, giấc mơ căn nhà nhỏ ở quê cũng... vã mồ hôi.
Ban đầu, tôi dự định chỉ xây dựng một căn nhà cấp 4 nhỏ với tổng chi phí khoảng 500 triệu đồng. Đây là số vốn nằm trong tầm kiểm soát – tức đã chi dư một phần để thêm vào chi phí phát sinh vốn luôn có trong chuyện xây nhà. Nhưng rồi, mọi thứ không còn dễ kiểm soát khi giá vật liệu xây dựng, giá xăng, giá thực phẩm... liên tục tăng cao buộc tôi phải cắt giảm và thay đổi nhiều hạng mục.
Cụ thể, đầu năm 2022, nhà thầu báo giá thi công phần thô khoảng 350 triệu đồng. Nhưng sau đó, dù đã ký hợp đồng nhưng nhà thầu xin điều chỉnh tăng lên hơn 400 triệu đồng vì giá vật liệu xây dựng tăng. Cụ thể, nhà thầu cho biết không chỉ riêng giá sắt, thép mà các mặt hàng vật liệu xây dựng khác như xi măng, cát, đá, gạch xây, gạch ốp lát... đều tăng giá. Vì mức giá theo hợp đồng cũ là không thể xây được như lời nhà thầu nói!
Dù khá bất bình, nhưng theo dõi thông tin thị trường tôi hiểu khó khăn này từ phía nhà thầu. Thực tế, không chỉ giá vật liệu xây dựng tăng mới ảnh hưởng đến chuyện xây nhà, mà kể cả giá xăng, giá thực phẩm... tưởng chừng không liên quan cũng gây tác động không nhỏ.
Ví dụ, đầu năm 2022 để đổ đất nền nhà, mức giá mỗi xe tải nằm ở khoảng dưới 300.000 đồng. Nhưng từ tháng 3/2022 đến nay, mức giá này đã tăng chóng mặt lên đến 400.000 đồng. Chưa kể, từ ngày xăng tăng, tài xế cũng kỳ kèo thêm mức phí tính theo từng cây số.
Nhà đã đổ móng, không thể không xây, vì thế giải pháp bất đắc dĩ của tôi cắt giảm các hạng mục.
Cụ thể, ban đầu tôi dự tính đổ trần để tăng độ bền, thì bây giờ, giữa lúc sắt, thép, xi măng tăng cao, tôi đành cắt. Rồi từ dự định lợp loại ngói sứ đắt tiền để tăng độ bền, tôi cũng phải tính lại cho phù hợp chi phí. Hay các chi phí khác trong phần hoàn thiện ngôi nhà như: gạch ốp lát, sơn, nhôm kính, nội thất, thiết bị điện, nước... cũng phải tính toán lại toàn bộ.
Chưa kể, những chuyện nhỏ thôi, như làm cơm nước mời thợ mỗi ngày cũng không thể vung tay qua trán nữa. Bởi khi cộng lại tổng thể, mức giá thời bão giá vượt xa số vốn nằm trong tầm kiểm soát.
Chỉ có một điều may mắn duy nhất là tôi có mảnh đất nhỏ của gia đình để lại mà không phải mua. Thời điểm sốt đất này, nếu phải bỏ thêm vài trăm triệu đồng để mua đất xây nhà ở quê có lẽ giấc mơ nhà ở của tôi đành gác lại.
Trong bão giá xây dựng này, ở quê tôi rất nhiều công trình đành phải hẹn ngày hoàn thiện ở tương lai xa vời. Nhiều người dân dù đã dự định và tích góp để một xây ngôi nhà nhỏ nhưng phải gác lại vì thu nhập không bắt kịp giá cả. Thậm chí có trường hợp mua được mảnh đất ở quê (sau đợt sốt đất) nhưng đành để hoang mà không biết bao giờ xây được nhà hoặc bán để kiếm lời.
Sau cùng, kể chuyện của xây nhà thời bão giá của tôi để nói đến ước mơ an cư của người dân ngày càng xa vời. Khi mà giá cả ngày càng tăng, đất không có trong tay, nhà không dám nghĩ tới thì làm sao có thể hy vọng lạc nghiệp?
Chính vì thế mà nên có nhiều giải pháp hơn để hỗ trợ những người dân có nhu cầu mua hoặc xây nhà, để họ có thể an cư, lạc nghiệp.