Ngày 8/5, Văn phòng Thành uỷ Hà Nội phát thông báo kết luận cuộc làm việc của Bí thư Vương Đình Huệ với quận Hoàn Kiếm, trong đó nêu ý kiến việc xây dựng "cột mốc số 0" ở Hồ Gươm.
"Đây sẽ là công trình điểm nhấn không chỉ của thủ đô mà của cả nước, là địa điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế", ông Huệ yêu cầu.
Nhằm tăng cường hiệu quả không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận, ông Huệ cũng yêu cầu nghiên cứu một số dự án khác, như: Cải tạo, chỉnh trang công trình có tính chất điểm nhấn xung quanh hồ; cải tạo khu vực đền Vua Lê liên kết với không gian tòa soạn Báo Nhân Dân và cảnh quan xung quanh.
Bí thư Hà Nội đề nghị sớm thống nhất phương án quy hoạch, kiến trúc nhà ga ngầm C9 và không gian, cảnh quan xung quanh nhà ga; thực hiện dự án không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch khu vực 131 vòm cầu đá đường dẫn nam cầu Long Biên và dự án bảo tồn cầu Long Biên theo hướng trở thành cầu đi bộ.
Năm 2009 và 2012, PGS Hà Đình Đức đã đề xuất xây dựng "cột mốc số 0" ở Hồ Gươm, tại ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng (nơi thành phố đang đặt đồng hồ hoa), nhưng đều không nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng.
Đến năm 2017, việc xây dựng "cột mốc số 0" được thành phố đề cập trong dự án chỉnh trang khu vực hồ Gươm. Sở Văn hoá, Thể thao cho hay cơ quan chức năng sẽ xem xét việc thi tuyển thiết kế mô hình cột mốc này để công trình mang đậm ý nghĩa văn hóa.
Giữa năm 2018, trong công văn gửi quận Hoàn Kiếm, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Tài nguyên Môi trường) khẳng định việc cần thiết xây dựng "cột mốc số 0" của Hà Nội. Cục cho biết nhiều quốc gia cũng đã xây dựng km số 0 tại địa điểm nổi tiếng, mang lại hiệu ứng tốt trong quảng bá hình ảnh đất nước và phát triển du lịch.
Thống nhất đề xuất vị trí đặt "cột mốc số 0" tại ngã tư Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng, Cục cho rằng về hình thức nên xây cột mốc đứng thay vì nằm.
Võ Hải