Triển lãm phương án thiết kế, lấy ý kiến cộng đồng dự án "Xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm" diễn ra từ ngày 2/1 đến 8/1 tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2, Lê Thái Tổ, Hà Nội).
Điểm mới trong lần trưng bày lần này là phương án kè bờ hồ bằng các khối bê tông hộp rỗng, đúc sẵn bằng cốt sợi. Mỗi khối hộp cao 2,5 m, rộng đáy 1,6m, mái vát. Phương pháp thi công dùng ép thẳng xuống đáy hồ, bên trên làm giằng, khóa lại. Bờ kè bê tông sẽ được phủ màu rêu phong hóa, để hở các ô trồng cây thủy sinh.
Ông Trần Trung Sinh, kỹ sư xây dựng, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết: "Giải pháp này đảm bảo độ bền vững lâu dài và hài hòa với cảnh quan cổ kính xung quanh hồ. Quá trình thi công có thể làm ban đêm và không phải làm tường vây bao, đào móng, ảnh hưởng đến mặt nước, cây xanh".
Bên cạnh đó, hạng mục nâng cấp vỉa hè với đề xuất lát lại toàn bộ hè xung quanh Hồ Gươm bằng đá granite tiếp tục được đưa ra trưng bày. Trong đó, 170 m vỉa hè lát đá từ năm 2010 cũng sẽ được thay thế bằng loại đá mới kích thước 10x10 cm.
Ông Nguyễn Tiến Lực 58 tuổi, một người dân sống ở phố Hàng Gai chia sẻ hằng ngày tập thể dục ông đều không dám chạy sát mép hồ vì bờ kè bị sụt lún. "Khu vực trung tâm của cả nước lại là địa điểm thu hút hàng triệu khách du lịch, không thể để như thế này lâu hơn được nữa. Tôi mong dự án sớm được triển khai nhưng vẫn phải đảm bảo kiên cố lâu dài, tránh lãng phí", ông kiến nghị.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh ủng hộ phương án xây dựng bờ kè bằng bê tông rỗng. Tuy nhiên cần làm nhẹ kết cấu blok bê tông tránh choán khối tích nước lòng hồ.
Ông Ánh nêu quan điểm: "Ranh giới mép nước Hồ Gươm thuộc ranh giới cấp 1 di tích quốc gia đặc biệt, làm nâng mực hay hạ mực nước hồ vài cm cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, hệ sinh thái". Theo ông, giải pháp đục nhiều lỗ rỗng mặt tiếp xúc với đất (phía trong) và nước (phía ngoài) để nước có thể lưu thông ngay trong lòng block. Như vậy khối tích nước sẽ không bị giảm và không bị ngăn cứng lưu thông đất ngậm nước ven hồ, đáy hồ và lòng hồ.
Bên trong khối bê tông, phải thay đất phế thải, đất cát đặc chèn vào lòng block bằng đất xốp, giá thể (xơ dừa, trấu) để giảm trọng lượng block bê tông cốt thép. Việc này sẽ làm tăng không gian sinh thái để phát triển hệ sinh vật thủy sinh, tảo, và các cây bám rễ tạo thảm xanh trên bề mặt nghiêng của kè.
Là người 30 năm nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hồ Gươm, PGS Hà Đình Đức không đồng tình với phương án kè hồ nói trên. Ông cho rằng Hồ Gươm cần được ứng xử đặc biệt. Kè đẹp bền vững nhưng tư duy như thế thì hồ sẽ giống như cái bể nước bê tông. Nét đẹp tự nhiên của hồ là những khe hở để thẩm thấu nước. Bên dưới lòng hồ có rất nhiều mạch nước ngầm, kè bằng khối bê tông sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Từ năm 2010, quận Hoàn Kiếm đã bắt đầu nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng không gian kiến trúc Hồ Gươm gồm cải tạo, nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu bờ kè.
Tháng 12/2016, UBND thành phố thống nhất chủ trương giao quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư tổ chức lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ, dự kiến hoàn thành xây dựng trước 30/4/2017. Quận Hoàn Kiếm đã hai lần tổ chức triển lãm trưng bày phương án thiết kế và lấy ý kiến nhân dân về dự án vào năm 2017 và 2018. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được khởi công.
Hồ Gươm hay còn gọi hồ Hoàn Kiếm rộng hơn 115.000 m2. Xung quanh hồ được bó vỉa bằng kè đá, bao quanh là hệ thống vườn hoa, cây xanh. Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, gồm: hồ, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và khu tưởng niệm vua Lê.