Ngày 3/12, ông Phạm Tuấn Long, Phó chủ tịch quận Hoàn Kiếm thông tin, phương pháp kè bờ Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn có ưu điểm thi công nhanh gọn, độ bền cao, ít tác động đến cảnh quan môi trường và hoạt động văn hóa ở khu vực.
"Chúng tôi đang chỉnh sửa thiết kế thẩm mỹ khối bê tông để kè mềm mại, hợp khung cảnh hơn theo góp ý ban đầu của một số chuyên gia", ông Long nói.
Dự kiến việc kè Hồ Gươm bằng bê tông đúc sẵn sẽ khởi công vào giữa tháng 12; thời gian thi công từ 22h đến 5h các ngày trong tuần và kéo dài khoảng 40 đến 60 ngày. "Việc thi công không làm thay đổi mực nước Hồ Gươm", ông Long cho hay.
Nhiều tháng qua, hơn 600 m lối đi quanh Hồ Gươm bị hư hỏng. Trong đó, hàng chục mét bờ kè ven đường Lê Thái Tổ bị đứt gãy, gạch đá lát nằm ngổn ngang. Gần phố Hàng Khay, một số đoạn kè bị sụt xuống tạo thành hố sâu và được gia cố tạm bằng tấm gỗ ép. Ở khu vực đối diện nhà hàng Thủy Tạ, một mảng bê tông lớn cũng bị sụt trôi xuống hồ.
Đầu tháng 8, quận Hoàn Kiếm lắp đặt hơn 200 m hàng rào, đặt biển cảnh báo nguy hiểm tại bờ kè, đường đi dạo quanh Hồ Gươm bị lún sụt.
Từ năm 2010, quận Hoàn Kiếm đã bắt đầu nghiên cứu phương án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng không gian kiến trúc Hồ Gươm gồm nâng cấp hè, đường dạo, thoát nước vườn hoa và duy tu bờ kè. Tháng 12/2016, UBND thành phố thống nhất chủ trương giao quận Hoàn Kiếm làm chủ đầu tư, tổ chức lập và thực hiện dự án với dự kiến hoàn thành trước 30/4/2017. Quận Hoàn Kiếm đã hai lần tổ chức triển lãm trưng bày phương án thiết kế và lấy ý kiến nhân dân vào năm 2017 và 2018 nhưng đến nay dự án vẫn chưa được khởi công.
Hồ Gươm hay còn gọi hồ Hoàn Kiếm rộng hơn 115.000 m2. Xung quanh hồ được bó vỉa bằng kè đá, bao quanh là hệ thống vườn hoa, cây xanh. Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm được công nhận di tích quốc gia đặc biệt năm 2013, gồm: hồ, tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và khu tưởng niệm vua Lê.