Cuối năm, tôi lên nghĩa trang tảo mộ cho ông bà. Đúng dịp cuối tuần nên nghĩa trang rất đông người. Dọn dẹp xong xuôi, chờ tàn hương nên hai bố con tôi đi dạo một vòng. Là chốn tâm linh mà thật kỳ lạ, đập vào mắt chúng tôi là rác tràn ngập khắp nơi: túi nilon, chai nước, giấy báo... bị vứt lung tung. Thậm chí, có nhiều gia đình còn thản nhiên vứt rác ngay cạnh mộ phần của người thân, trong khi nghĩa trang có khu vực tập trung rác thải riêng theo quy định.
Thấy cảnh chướng mắt, hai bố con tôi liền nhặt mấy chiếc túi lớn, đi một vòng để thu gom những thứ rác thải bị người ta vứt ra. Trời nắng nhưng trong tâm chúng tôi vẫn rất vui vì làm được vài việc nhỏ có ích.
Ở nhà, con tôi đang học mẫu giáo, có một thói quen là đi đến đâu thấy có cái chổi là lập tức cầm lên để quét rác vào một góc. Ra sân chơi, con thường mang theo một cái xe đồ chơi rồi lượn vài vòng đi thu gom rác, mồm giả tiếng còi kêu inh ỏi để thông báo. Trên đường về nhà, hai bố con tôi vẫn luôn miệng bàn chuyện hôm nay chở được mấy chuyến.
Ra đường mỗi ngày, chẳng khó để thấy cảnh người người hồn nhiên vứt rác không đúng nơi quy định, từ già trẻ, lớn bé, người đi làm hay học sinh. Tâm lý chung của phần đông người Việt là tiện đâu để đó, khắc sẽ có người dọn. Lái xe trên đường, người ta cũng đua nhau chen lấn, vượt đèn đỏ, tạt đầu người khác, miễn là được việc cho mình, mặc cho ách tắc giao thông ảnh hưởng đến người khác.
>> Sống giữa những hàng xóm 'tiện đâu quăng rác đấy'
Theo tôi, vấn đề ở đây là chúng ta chưa có ý thức xã hội hay ý thức tập thể. Người ta quá tập trung vào lợi ích của cá nhân mình, làm sao có lợi cho mình, mà không nhìn vào quyền lợi chung của tập thể, xã hội hay thiệt hại của người khác.
Tôi quan niệm: người không sợ bẩn là người cởi mở, thân thiện. Ở nhà, tôi dạy con làm việc từ bé, bắt đầu từ những việc nhỏ như lấy xe đồ chơi đi thu gom rác, vừa vui vừa có ích. Lớn hơn chút, hàng tuần hai bố con lại lau dọn nhà cửa, nhà vệ sinh sạch bóng từ trên xuống dưới, rồi quét đường, rửa hẻm cho sạch sẽ, lúc nào cũng ríu rít tiếng cười.
Không biết mai này con lớn lên sẽ thế nào, nhưng hiện tại tôi thấy vui vì ít nhiều con đã có ý thức và dần dần, từ những việc nhỏ thế này con sẽ là người có ích cho xã hội. Đồng hành và làm tấm gương cho con, chỉ cho con những việc lợi mình lợi người, tôi tin mình đang góp một phần nhỏ bé cho xã hội, dù đôi khi chỉ "để gió cuốn đi".
>> Chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của bạn tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.