Thứ năm, 2/1/2025
Chủ nhật, 6/6/2021, 05:10 (GMT+7)

Vườn hồng trên đất Nhật của anh tiến sĩ người Việt

Vườn hồng trước nhà giúp anh Khanh, giảng viên tại Đại học Tokyo được thư giãn sau các giờ làm việc căng thẳng và thậm chí bật ra được ý tưởng mới.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai Khanh, công tác tại Trung tâm thiết kế - giáo dục vi mạch (Đại học Tokyo) từng nghĩ làm vườn khó hơn nghiên cứu khoa học, lại mất thời gian. Thậm chí trong một buổi liên hoan ở trường, anh đã ngạc nhiên khi một đồng nghiệp người Nhật chia sẻ sở thích trồng trọt của bản thân.

"Lúc đó mình ngạc nhiên vì dân kỹ thuật sao lại thích mấy thứ mềm mại như thế. Nhưng sau này tiếp xúc nhiều, thấy đồng nghiệp này là người gọn gàng, sạch sẽ, làm việc hiệu quả và luôn giữ được bình tĩnh trong các cuộc họp", anh Khanh chia sẻ.

Hai năm trước anh Khanh chuyển về nhà mới ở thành phố Matsudo - giáp ranh giữa Tokyo và Chiba để tiện đi làm và tránh không khí chật chội ở thủ đô.

Nhà nằm ở ngã tư đường, khá nhiều người qua lại nên anh muốn trồng cây gì đó thật đẹp, nên đã chọn hoa hồng. Một phần khác vì "muốn thêm một hình ảnh thật đẹp về con người Việt Nam".

Là một nhà khoa học nên mới đầu trồng cây, anh Khanh khá lúng túng. Anh đã "ngụp lặn" trong các hội nhóm hoa hồng và học thêm kiến thức trên mạng. Người Nhật có nhiều cách chăm đất, chăm hồng, nhưng vì khá bận nên anh Khanh gom lại thành cách dễ chăm nhất, đó là tập trung vào bộ rễ và cắt cây, cành hợp lý.

Để trị sâu, rệp, anh tận dụng các loài côn trùng từ công viên ngay cạnh đến bắt hộ mình. Anh chỉ trị loài nguy hiểm nhất là sâu đất. Loài này có thể cắn cụt toàn bộ rễ cây hồng, lại sống sâu dưới đất nên rất khó phát hiện.

"Sau một thời gian nghiên cứu tôi nghĩ ra một cách dễ dàng trị được nó, đó là rải nhiều vỏ cây thông xung quanh gốc hồng, đặc biệt với các chậu hồng thì rải kín mặt chậu. Lớp vỏ thông giữ ẩm mùa hè và ấm mùa đông, nhất là ngăn bọ cánh cứng đẻ trứng lên đất. Nếu chẳng may dưới gốc có sâu này thì khi rải lớp vỏ thông, nó có xu hướng ngoi lên gần mặt đất hơn để sinh sống. Lúc này chỉ cần gạt nhẹ lớp vỏ thông và bới một chút đất, sẽ bắt được nó ngay", anh Khanh chia sẻ.

Trong khoảng 40 gốc hồng ở vườn, anh Khanh có một số bụi hồng leo cho hoa bắt mắt, được trồng ở hai bên tường rào quanh nhà. Đặc điểm hồng leo là ưa thích được uốn và cắt tỉa. Cây có hai loại cành chính và phụ. Nếu để cành chính mọc tự nhiên sẽ chỉ ra 1-2 bông ở đầu cành, ngược lại cành phụ mới ra nhiều hoa. Vì vậy, anh thường uốn cong cành chính để kích dòng dinh dưỡng làm bật nhiều mầm, tạo ra nhiều cành phụ hơn.

Anh cũng chỉ để cây ra hoa 2 lần trong năm thay vì quanh năm, mục đích để cây hồng được dưỡng sức và thân mập ra. Như vậy, mùa sau sẽ cây sẽ nở đồng loạt và rực rỡ.

Đây là bụi hồng Urara của Nhật 1995. Cây hoa làm ngôi nhà anh Khanh bắt mắt nhất con phố mỗi khi nở.

Tại Nhật, thời điểm hoa hồng ra đẹp nhất là vào tháng 5 và tháng 10, đều là những lúc trời mát dịu và nhất là cây hồng được dưỡng sức qua mùa đông lạnh giá và mùa hè nóng nực. Lúc này vườn trước nhà và tường rào hai bên hông nhà anh Khanh nở rực.

Trong vườn có những loài hồng đặc sắc như Desdemona (thơm mùi lá xả); Urara là giống hồng leo của Nhật 1993, màu cánh sen, rất khỏe và ra rất sai bông hay hồng Bordeaux 2019, rất thơm, màu đỏ nhưng để một thời gian có thể đổi màu hơi tái như rượu Bordeaux...

Đây là loài La Marie Nhật. Loài này được dùng để sản xuất nước hoa bởi hương thơm đậm, mạnh mẽ.

Đây là hồng Nostalgia cánh kem viền đỏ (trái) và Golden Celebration. Niềm vui của anh Khanh là lúc trồng được những bông hoa "chuẩn phom dáng". Bông hồng vàng Golden Celebration cho cánh xếp dày và hoa đạt cực đại.

Cây này là giống hồng Mokobara không gai của Nhật, mỗi năm chỉ nở một lần. Cây ra hoa rất sớm báo hiệu mùa hồng sắp tới. Người Nhật thường trồng nó thành vườn và tường rào, còn anh Khanh đóng cọc cho cây leo khi trồng trong chậu. Hoa thường nở rất dày và đồng loạt.

Anh Khanh cũng mất 5 tháng để sưu tầm một số giống hồng cổ Việt Nam. Năm đầu tiên này, cây ra rất nhiều nụ nhưng có lẽ vì thời tiết hơi thất thường, nên không nở được và héo dần.

Tại nơi anh Khanh ở chỉ có khoảng 3 gia đình trồng cây, đều là người đã nghỉ hưu. Vườn hồng của chàng giảng viên độc thân được hàng xóm rất thích và hay tới bắt chuyện. Mỗi lúc như vậy anh Khanh tự hào nói mình là người Việt và giới thiệu cho họ về các loại hồng cổ Việt Nam.

"Có nhiều bác dừng lại nói cám ơn vì hàng ngày được ngắm hoa miễn phí. Một bác mình chưa từng biết mặt bỗng dưng chạy tới tặng một cây thiên tuế, bảo vườn mình đẹp quá nên tặng cho cây này thêm đẹp. Bác tổ trưởng dân phố thường hay tới thăm nhất, nhiều lần tặng anh chậu hoa, rượu trái mơ hoặc mứt dâu do chính bác tự làm. Quanh mình còn có hàng xóm là người Nam Phi, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... hay tới bắt chuyện và chụp hình", anh Khanh kể.

Công việc của anh Khanh rất căng thẳng, mùa Covid-19 có ngày phải họp hành online tới 5 lần. "Cũng nhờ có vườn hồng mà mình giải tỏa được nhiều áp lực, đôi mắt đỡ mệt mỏi hơn khi ra ngắm cây, ngắm hoa. Đặc biệt một số ý tưởng mới xuất hiện khi ngắm các các chậu hồng hoặc công viên trước nhà", tiến sĩ người Việt khoe.

Trên trang cá nhân, anh Khanh không bao giờ đăng bài về công việc, nhưng anh lại đăng rất nhiều bài về hồng. Đến nỗi từng người bình luận: "Không có làm gì hay sao mà suốt ngày đăng ảnh hoa".

"Đến giờ tôi tự nhiên nghĩ lại về câu chuyện trong buổi liên hoa mùa thu 5 năm trước. Đúng là cuộc sống luôn cần có sự cân bằng. Sau các cuộc họp kế tiếp nhau nhiều lúc khiến tôi căng như dây đàn. Lúc đó lại ra vườn tranh thủ tưới nước, tỉa cành một chút, không hiểu sao đã bình yên trở lại", anh chia sẻ.

Phan Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp