Thứ năm, 7/11/2024
Chủ nhật, 9/5/2021, 05:05 (GMT+7)

Vườn hồng gần 500 loài của nữ giám đốc

Lâm ĐồngChi 300 triệu đồng để thiết kế vườn hồng 200 m2, sau năm năm, gia đình chị Ngọc Sương đã có chốn lý tưởng để thư giãn tại gia.

Sáng tinh mơ, chị Ngọc Sương, 42 tuổi, tỉnh giấc vì đàn chim vành khuyên kéo về khu vườn thi nhau hót và hương hoa hồng thoang thoảng theo gió qua cửa sổ ùa vào phòng ngủ.

Bà chủ vườn háo hức khi phát hiện một đóa hoa hồng Dream light mà chị yêu thích đêm qua còn hé nụ, sáng nay đã bung nở. "Dạo trong vườn hoa của chính mình, tôi như lạc vào vườn cổ tích", nữ giám đốc một chi nhánh truyền hình cáp ở Bảo Lộc, Lâm Đồng nói.

Năm 2010, chị cùng mẹ và hai con gái từ Sài Gòn về Bảo Lộc sống do công việc thay đổi. Chị mua 300 m2 đất với giá 1,8 tỷ đồng, dành một phần ba diện tích xây nhà, hai phần làm vườn.

Từng được chiêm ngưỡng nhiều vườn hồng ở châu Âu, chị Sương ao ước có thể tự tay gầy dựng nên một vườn hoa đẹp như thế. Nhưng bận với công việc, năm 2015, chị mới bắt tay vào làm vườn.

Chị Sương săn giống hồng ở khắp nơi, cả trong và ngoài nước, có cả cây ghép Thái Lan, ghép Việt, cây nguyên bản.

Các giống hồng lạ ở châu Âu, chị đặt cây rễ trần qua người trung gian. Thời điểm năm 2015, giá hoa hồng rễ trần từ nước ngoài về có giá từ 1,2-2 triệu đồng một cây. Riêng cây hồng cổ Sapa giá 10 triệu đồng.

Từ lát đá lối đi đến lắp giàn, vòm hoa, người phụ nữ này đều tự xoay xở. Cứ rảnh rỗi chị lại cặm cụi ngoài vườn. "Gai hồng cào xước rách cả tay, nhưng vì mê hoa, tôi cứ cố gắng từng ngày", chị Sương kể.

Ban đầu, chị cứ nghĩ bón nhiều phân cây sẽ chóng lớn, sai hoa, không ngờ hơn 40 cây hồng ngoại cùng héo úa rồi chết.

Đợt đó, bà chủ vườn thiệt hại hơn 80 triệu đồng tiền mua cây giống. Sau bài học này, chị đọc tài liệu nhiều hơn, học hỏi kinh nghiệm trên mạng xã hội để áp dụng cho khu vườn của mình.

"Cây mới mua về hoặc đang yếu phải cắt hết hoa, tỉa cành, thay đất. Nên dùng tro trấu, phân bò, xơ dừa và ít đất thịt để trồng cây", chị Sương đúc rút.

Sau đó, cây được tưới kích rễ ba ngày một lần. Đến khi cây ra chồi mới bón phân hữu cơ, tưới kích rễ một tuần một lần, xịt thuốc ngừa nấm ngay khi trồng, xịt ngừa trĩ...

Để trị rệp sáp, chủ vườn pha nước rửa chén với dầu ăn, lấy bàn chải đánh răng chà lên lá. Nếu có nhện đỏ, chị dùng vòi xịt mạnh để rửa lá.

Từ đó, trong vườn nhà chị Sương hồng đâm chồi, nẩy lộc, hoa thay nhau nở.

Chị thiết kế khu vườn theo phong cách châu Âu. Để hồng có không gian phát triển, chị đã phải chặt bỏ nhiều cây ăn trái.

Hiện tại, khu vườn có tổng cộng 450 loài hoa hồng, cả chi phí mua giống hoa và trang trí hết hơn 300 triệu đồng. Nhưng chị cho biết sẽ chưa dừng lại, mỗi khi có giống mới, chị lại đặt mua và bổ sung cho khu vườn.

Chị Sương thuộc tên tất cả loại hồng trong vườn, nắm rõ từng đặc tính, cách chăm sóc từng loại.

"Hoa hồng leo Mac spice xuất xứ New Zealand đã được nhân giống, thuần hóa tại Việt Nam, hoa thường ra thành chùm, có kích thước nhỏ và mùi hương dịu nhẹ", chị giới thiệu.

Hồng leo Friendship trắng tinh khôi được bà chủ vườn trồng ở cổng vòm vì leo khỏe, hoa thành từng chùm và lá trùm kín vòm.

Kizuna (bên trái) có nguồn gốc từ Pháp, cành dài, hoa đong đưa mềm mại, hoa nở liên tục. Candy land (bên phải) màu hồng sọc trắng, hoa to, chùm lớn, hoa kháng bệnh tốt và ít tốn công chăm sóc.

Dạo gần đây, chị Sương hay chụp ảnh vườn hồng đăng lên hội, nhóm yêu hoa. Rất nhiều bạn bè trên mạng nhờ chị tư vấn cách chăm sóc hoa, trị sâu, rệp...

Dịp lễ 30/4, nhà nhà đi du lịch, gia đình chị Ngọc Sương chỉ vui chơi trong vườn nhà, ngắm hoa. "Cứ 35 ngày lại có một đợt hoa nở rộ, có hoa lá, chim chóc véo von, cuộc sống bỗng trở nên nhẹ nhàng", chị nói.

Vườn hồng gần 500 loài của nữ giám đốc Lâm Đồng
 
 

Phạm Nga
Ảnh Nhân vật cung cấp