Những ngày mùa đông, vườn hồng sân thượng của chị Nguyễn Thị Thu Phương, 48 tuổi, ở quận Ba Đình đua nhau nở. Mỗi sớm sau khi thiền, chị thường lên vườn ngắm hoa, thưởng trà và nhớ về tuổi thơ gắn với bố và hoa hồng.
Ngày còn nhỏ, những dịp giáp Tết theo bố về thăm bà nội, cô bé Phương thường bị thu hút bởi những bông hồng nhung đỏ mịn, đẫm sương dưới mái hiên căn nhà cổ năm gian có ngói màu nâu đậm. Chị thường xin chiết cành, mang về trồng và học thuộc lòng hướng dẫn trong sách Sinh học để chăm cây.
"Tôi rất mừng mỗi khi cây bật mầm và thường khoe với bố. Ông muốn giúp tôi chăm cây chóng lớn hơn nên đã tưới phân đạm. Kết quả là cây chết. Tôi giận bố không chỉ một lần vì cứ sau một thời gian rút kinh nghiệm ông lại tiếp tục làm cây chết", chị Phương nhớ lại.
Nhưng đó là mâu thuẫn bố con duy nhất của chị Phương. Bố là người thầy, là bạn, là người đóng vai trò quan trọng trong từng bước trưởng thành của cô con gái. Ông luôn làm chị tin vào chính mình, tạo động lực để các con cố gắng. Từ bố, chị có nhiều bí quyết dạy con khi có gia đình riêng.
Mười năm trước, ông đột ngột qua đời do tai nạn giao thông. "Cứ mỗi lần nhớ bố, tôi lại mua hoa hồng", chị Thu Phương nói. Khu vườn sân thượng trước đây của gia đình chị sống dần dần xuất hiện hơn 100 chậu hồng.
Ngày bé, vườn của bố con chị trồng ba loại là hồng nhung, hồng quế và hồng bạch nên bây giờ, đây là những giống hoa chị ưu tiên chăm chút.
Chuyển về nhà mới, diện tích vườn thu hẹp còn hơn 50 m2, với hơn 40 gốc hoa, được chị chia thành ba tầng không gian. Tầng trên cùng là vòm leo, trồng những cây hồng nguyên bản, dạng leo, tuổi thọ 10-15 năm, như cổ vàng Sơn La, cổ đỏ Sơn La, Friendship, Mon coeur, cổ Sapa, Red Fairy, Blue sky, Summer snow. Cây có chiều dài khoảng 8m và nhiều nhánh. Tầng dưới cùng, chị bố trí các chậu trồng những cây hồng nhỏ, có thể tạo thế để đưa vào nhà khi hoa nở rộ.
Bận rộn với công việc, chị Thu Phương thường tranh thủ buổi sáng, tối và cuối tuần chăm cây. "Tôi dậy lúc 6h sáng, dành 15 phút để thiền và 30 phút chăm sóc cây. Nếu chẳng may cây bệnh, tôi ở cả ngày trên vườn cắt cành, tỉa lá, rửa sạch thân và lá cho cây", chị nói. Khi hoa trong vườn nở rộ, chị hái làm trà, làm nước hoa hồng.
Để có khu vườn hoa nở đều, đẹp, chị giữ cho sân thượng luôn sạch, thoáng, có nắng, giá thể tốt. "Ban đầu tôi mua hồng không rõ nguồn gốc nên bị chết nhiều. Về sau, tôi chọn mua ở các nhà vườn uy tín. Kỹ thuật trồng không rành thì lên mạng học hỏi các anh chị trong hội hoa hồng không dùng thuốc", chị nói. Để giữ giá thể mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, chị trồng hoa trong loại chậu có đường kính 90 cm, làm từ chất liệu gốm.
Vào mùa hồng trổ bông, chồng và các con chị Thu Phương đều biết chị nhớ bố nên dành không gian yên tĩnh để chị chăm sóc, hãm mầm cho hoa nở đúng dịp tết và duy trì những cây hoa đang độ nở.
Con gái chị thích chụp ảnh hoặc vẽ mẹ trong lúc làm vườn như một cách đồng cảm và bày tỏ tình yêu với mẹ, với ông ngoại. Mỗi năm, vào dịp giỗ bố, chị cũng mang thêm hồng về quê, ở Vĩnh Phúc trồng, tạo thành hai vườn hồng rực rỡ.
Ở Hà Nội, vào đợt giãn cách, nhà hàng xóm thường lên sân thượng tập thể dục, ngắm hưởng lây vẻ đẹp của khu vườn nhà chị Thu Phương. Đây cũng là nơi chị thường đón tiếp bạn bè, quây quần bên gia đình nhỏ và đón năm mới bên những người thân yêu.
"Loài hoa không chỉ lưu giữ ký ức đẹp về bố, mà còn giúp tôi nhận ra, cứ sống, cứ tận hiến vì những điều dung dị, đẹp đẽ sẽ thấy bản thân luôn gắn bó với cuộc đời với mọi người và sẽ tạo nên những năng lượng tích cực, giống như những bông hồng mà bố con tôi đã cùng nhau vun trồng" chị nói.
Xem thêm vườn hồng của chị Nguyễn Thu Phương:
Phạm Nga
Ảnh nhân vật cung cấp