Tôi vừa đọc câu chuyện "Người 'điên' ngoài phố" của tác giả Hoàng Minh Trí. Một câu chuyện như chỉ của gia đình tác giả nhưng có lẽ nhiều người sẽ thấy có phần nào giống giống câu chuyện của mình.
Gia đình tôi cũng có người bị "điên" - những người bị "tâm thần". Nhưng để câu chuyện nhẹ nhàng hơn tôi quen gọi là "bệnh tinh thần" giai đoạn nặng (như bọn tôi hay trêu nhau là lỗi phần mềm (lỗi Software).
Bác tôi cũng có thời thanh xuân giống như bao người bình yên, êm ả cùng với đôi chút gợn sóng. Trong mắt mọi người, bác là chàng trai tuổi Dần có sự sôi nổi, mạnh mẽ của những người con miền biển và đôi chút thư sinh, đa tài của một anh kĩ sư.
Bác là cựu sinh viên trường "trăm nghề", chuyên ngành khá hot thời đó. Bác cũng có cơ hội được đi nước ngoài học tập thêm. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan hay do thời cơ chưa đến, vận may này chưa đến với bác. Nhưng sau đó, bác được làm việc tại công ty lớn đúng chuyên ngành. Và bác cũng có một mối tình cho riêng mình.
Tưởng rằng mọi chuyện tươi đẹp rồi sẽ tiếp diễn, dòng nước cứ lặng lẽ trôi mãi. Nhưng cuộc sống đâu thể cứ bình yên mãi được, luôn có những sóng gió thử thách bản lĩnh của chúng ta, bắt chúng ta phải đương đầu, phải mạnh mẽ hơn. Chuyện tình cảm đổ vỡ, bác thất vọng về tình yêu và tình bạn, cộng với những áp lực đến từ công việc. Bác tôi đã gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, thường xuyên mất ngủ, tinh thần uể oải, hay đi lang thang trong đêm.
Tôi được mọi người kể lại bác được đưa đi điều trị tâm thần bằng cách quên đi những kí ức đau buồn nhất. Cách này đã cứu được mạng sống cho bác tôi, cứu được các bộ phận cơ thể không bị quá tải do mất ngủ thường xuyên, stress, rối loạn tâm lý. Nhưng có lẽ mất đoạn ký ức đau buồn này cũng làm mất đi cả những ký ức khác. Bác lẩn thẩn, hay nói chuyện linh tinh mất kiểm soát.
Hồi nhỏ khi tôi gặp bác, tôi thấy bác cũng như mọi người bình thường, cũng đi làm việc lao động bình thường. Tôi thấy những bức ảnh kỉ niệm của bác thời đại học, chiếc đàn có lẽ từ thời sinh viên và đôi khi bác còn kể những chuyện vu vơ và chỉ tôi đánh cờ.
Khi lớn hơn, tôi nghe mọi người kể nhiều hơn về bác với sự tiếc nuối xen lẫn đôi chút ngập ngừng, do dự. Không ai hiểu nổi tại sao một con người được yêu quý lại trở nên xa lạ, có khi còn cảm thấy sợ hãi.
Có nhiều lý do mọi người kể cho tôi, nhưng có lẽ nó chỉ là một phần. Ngọn nguồn của sự việc phải chăng nằm chính trong phần kí ức buồn nhất của bác. Phần kí ức mà bác phải bỏ đi để cứu lấy cơ thể và sinh mạng cho bác. Sau này, có lần tôi có dịp nói chuyện với bác trong tư cách một hậu bối, câu chuyện của bác vẫn vu vơ và hơi lộn xộn.
Nhưng khi ghép nối lại, tôi như thấy lại được một chút kí ức của bác về trường, về niên khóa cũ, về thầy cô và cả bạn bè cũ. Bác vẫn là bác thôi nhưng chỉ thiếu chút phần kí ức không muốn nhớ của bác.
>> Trầm cảm là 'tảng đá nghìn cân' đè lên tâm lý
Câu chuyện như nỗi đau không chỉ gây ám ảnh cho tôi và gia đình mà còn là nỗi xót xa của những người thân và bạn bè xung quanh. Tôi cũng có một vài người thân khác, do nhiều nguyên nhân, từ những yếu tố tâm lý hay do những sự cố, tai nạn giao thông mà gặp những vấn đề về "tinh thần". Một người thân yêu của mình đang bình thường lại được gắn mác người "điên".
Có lúc, chúng ta cười họ vì khác thường, chúng ta cười người "điên" vì tất cả chúng ta đều "tỉnh" và họ cũng cười chúng ta vì họ là những người "tỉnh" ít ỏi trong số những người "điên".
Bệnh tinh thần cũng có các giai đoạn phát triển như các bệnh thông thường từ giai đoạn mới đến giai đoạn nặng mà thường những giai đoạn đầu mọi người không hay để ý thấy. Giai đoạn đầu thường là những lo âu, stress, rối loạn tâm lí, suy giảm trí nhớ... Bệnh Tinh Thần cũng vậy nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn tổn thương nghiêm trọng đến não bộ và hệ thần kinh.
Tổn thương không chỉ cho các bộ phận cơ thể mà tổn thương cho cả những suy nghĩ, tình cảm, tâm lí. Đó nguyên nhân của những hành động đáng tiếc khó hiểu như những gì báo đài vẫn đưa tin. Có những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng từ những hành vi tưởng như đơn thuần và vô ý.
Có lẽ nhiều người gặp vấn đề tinh thần đã lạm dụng rượu hay các chất kích thích khác như tìm cách để cố quên đi chính mình. Lấy rượu làm cớ để có thể nói ra những nỗi buồn thầm kín của chính mình, những nỗi buồn, nỗi ám ảnh không biết chia sẻ cùng ai mà chỉ có rượu mới giúp tự tin để nói ra.
Nhưng đáng tiếc lời muốn nói đó lại không đến được với người cần nghe, lời đó cứ vu vơ nên phải cố gắng nói hết lần này đến lần khác đến khi bay hết cả hơi rượu.
Và vòng tròn đó cứ lặp lại, tỉnh rồi say rồi nói vu vơ, chửi vu vơ rồi lại tỉnh lại say. Cảm ơn mọi người đã lắng nghe những chia sẻ của tôi. Tôi mong nhận được sự góp ý của mọi người để giúp tôi hoàn thiện hơn. tôi xin chân thành cảm ơn.
Hỏa Phượng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.