Những vụ án nổi cộm gần đây có nhiều dấu hiệu liên quan tới bệnh tâm thần. Từ vụ người phụ nữ vô cớ đâm dao và đầu một em bé, tới việc Hào Anh đi ăn trộm... Những bị can này đều có dấu hiệu tâm thần, nhưng việc họ có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, và xử lý ra sao thì dường như cả luật pháp và dư luận đều lúng túng.
Tôi là một luật sư ở Mỹ. Như nhiều luật sư khác, tôi đã từng thực tập qua ngành luật hình sự, nhưng không làm về chuyên ngành này. Dẫu vậy, mọi luật sư đều biết định nghĩa về tâm thần theo luật Mỹ.
"Liệu bị can có đủ khả năng nhận thức để hiểu rõ việc làm của mình lúc gây án hay trong quá trình tố tụng hay không?". Định nghĩa này được gọi là "McNaughton crazy" - từ ngữ mà các luật sư hay dùng với nhau trong văn phòng của họ.
Điều đáng ngạc nhiên là một số nghi can được xem là có bệnh tâm thần ở Việt Nam lại được miễn trách nhiệm hình sự và được trở về nhà. Ở Mỹ, các bị can không đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự sẽ phải vào viện tâm thần bắt buộc, và chữa trị trong một khoảng thời gian dài, tương đương với án tù mà họ phải đối mặt.
Cuộc sống trong các bệnh viện tâm thần kiểu đó còn tệ hơn nhà tù - bởi lẽ các bệnh nhân liên tục kêu gào, gây sự. Vì thế ở Mỹ, chẳng có ai dại gì lại giả bệnh tâm thần để trốn án cả.
Khi còn thực tập ở văn phòng luật sư nhà nước, tôi đã gặp một bị can tâm thần. Theo báo cáo của cảnh sát, họ nhận được cuộc gọi từ một trạm xăng thông báo là có người ăn cắp một ly cà phê.
Khi cảnh sát tới nơi, họ thấy một người đàn ông đang đứng bên hông trạm xăng, quần tụt tới gối và nhân viên bảo rằng ông này vừa ăn cắp ly cà phê. Vậy là người đàn ông ấy bị bắt vào tù.
Vài ngày sau, ông ấy gặp được tôi. Khi được đưa ra tòa để khởi tố, người đàn ông vô gia cư với ánh mắt vô hồn kể rằng ông ta rót một ly cà phê nhưng tìm không ra tiền trong túi. Khi ông ta định bỏ đi khỏi quầy thì nhân viên mắng mỏ rồi gọi cảnh sát.
Thế là ông ấy bị truy tố tội ăn cắp và tội "khoe thân thể một cách tục tĩu". Tôi xin thẩm phán cho phép ông ấy không nhận tội. Bà thẩm phán nhìn tôi với ánh mắt kỳ lạ.
Rồi nói chuyện thêm thì tôi phát hiện ra rằng ông ta không biết rõ tên mình. Thậm chí ông ấy nói rằng mình tốt nghiệp trung học mới hơn mười năm - dù ông khoảng 60 tuổi. Hoảng quá, tôi xin thẩm phán cho ông ấy đi giám định tâm thần. Thẩm phán đồng ý nhưng cứ nhìn tôi đầy thắc mắc.
Tôi không thể nói rằng, sở dĩ tôi không xin giám định ngay từ đầu là vì ông này tội lỗi chẳng có bao nhiêu. Nếu phải bị đi chữa trị bắt buộc, tôi cũng không rõ là có tốt cho ông ấy không? Tới giờ tôi vẫn còn day dứt, dù rằng bản thân đã làm đúng luật.
Khi còn học đại học ở Úc, trường tôi đã có một vụ nổ súng. Một sinh viên bị tâm thần đột nhiên nổ súng trong lớp khiến vài người chết, nhiều người bị thương. Sinh viên ấy bị bắt tại chỗ. Bị can được đưa đi giám định tâm thần, họ kết luận anh ta bị tâm thần phân liệt.
Sinh viên này bị đưa đi chữa trị bắt buộc 25 năm, sau đó sẽ được giám định lần nữa. Nếu khỏi, anh ấy sẽ bị xét xử lại, nếu chưa khỏi thì phải chữa tiếp.
An ninh tại bệnh viện tâm thần bắt buộc còn nghiêm ngặt hơn cả nhà tù, và người bệnh có thể bị xích lại để chống bạo lực. Ai cũng biết là bản án ấy còn khủng khiếp hơn cả tù chung thân, bởi ở Úc không có án tử.
Bệnh tâm thần có nhiều loại - từ căn bệnh trầm cảm khiến người bệnh có thể tự tử, tới căn bệnh tăng động giảm chú ý khiến họ không thể tập trung vào việc gì, cho tới tâm thần phân liệt khiến những người này luôn nghi ngờ, và có thể trở nên bạo lực.
Nhiều bệnh nhân tâm thần vẫn hoàn toàn có đầy đủ ý thức, chỉ là tâm trạng của họ không được ổn định. Việc hiểu rõ những căn bệnh khác nhau chính là nền tảng cơ bản của pháp luật đối với bệnh tâm thần.
Ngày còn ngồi trên giảng đường trường Luật, tôi vẫn thấy các bạn học uống đủ loại thuốc mỗi ngày. Phần lớn là vitamin, nhưng cũng có nhiều món khác như thuốc chống trầm cảm, thuốc bình ổn tâm trạng...
Nước Mỹ tiêu thụ thuốc an thần nhiều nhất thế giới, nhưng họ cũng thoải mái hơn với bệnh tâm thần. Loại bệnh này không phải là dấu chấm hết cuộc đời, nhưng cũng không trở thành lý do để bất kỳ ai có thể gây án mà không phải chịu hậu quả.
Thái độ đúng với bệnh tâm thần là cần thiết trong pháp luật, nhưng lại bắt đầu bằng chính hiểu biết của cộng đồng với loại bệnh này.
Nỗi sợ hãi, thái độ chối bỏ, cũng như sự kỳ thị xa lánh đối với bệnh nhân tâm thần chỉ khiến người bệnh càng thêm trầm trọng. Còn những người bệnh nghiêm trọng, gây ra mối nguy hiểm cho người khác thì phải được chữa trị bắt buộc.
Một cơn giận dữ và lời "phán" kiểu "tâm thần gì mà còn biết là phải giết đứa bé để chết theo" sẽ không giải quyết được gì cả. Việc "xoay" được cái "giấy tâm thần" để được thả khỏi tù về nhà cũng chỉ làm trầm trọng thêm sự giận dữ của cộng đồng với bệnh tâm thần mà thôi.
>> Xem thêm: Đừng lấy Lê Văn Luyện để xin giảm án kẻ chặt tay cướp SH
Tướng cướp Hồ Duy Trúc thoát án tử hình? Theo quy định mới thì phạm nhân Hồ Duy Trúc sẽ được chuyển án phạt xuống chung thân? |
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.