Mấy hôm nay, làng bóng đá Mỹ có một chuyện buồn. Katie Meyer, thủ môn đội trưởng của đội bóng đá trường Đại học Stanford đột nhiên ra đi.
Ở tuổi 22, Katie dường như có tất cả: tuổi trẻ, sức khỏe, sắc đẹp, danh tiếng, bạn bè, suất học bổng ở trường đại học Ivy League và cả kế hoạch vào trường luật sau khi tốt nghiệp đại học. Vậy mà cô ấy đã tự tử, chết ngay trong khu nội trú của trường.
Ở Việt Nam, các vấn đề về sức khỏe tâm thần nhức nhối hơn rất nhiều. Chỉ cần dạo qua mục tâm sự thôi là đã có hàng tá ca bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm trạng, hoang tưởng, rối loạn căng thẳng hậu sang chấn.
>> Định kiến người trầm cảm làm lố cảm xúc
Nhiều người biết mình bị bệnh và họ kể lể nhiều về lý do vì sao mình bị bệnh. Có nhiều trường hợp bài viết là do tác giả phàn nàn về những người chung quanh, có bài là do tác giả phàn nàn về người thân. Đáng buồn nhất là những người này hoàn toàn không hay biết rằng mình hay người thân của mình đang bị bệnh tâm thần hành hạ.
Gần đây tôi có đọc được một bài tâm sự của một tác giả với chủ đề chán chồng. Thật ra đấy chỉ là một vấn đề, tác giả sau đó kể lể về chuyện mình cố gắng tăng thu nhập, đi học thêm rồi lại cảm thấy chậm chạp, sinh ra chán ghét bản thân, buồn bã tự hỏi cuộc sống có ý nghĩa gì.
Trong mấy trăm lời bình luận, đa phần bạn đọc đều phân tích vì sao tác giả không nên trách chồng, khuyên giải tác giả là nên nhìn vấn đề theo cách khác. Chỉ có vài người nhận ra rằng, tác giả bị trầm cảm.
Một câu chuyện khác càng đau thương hơn, với một anh chồng ngày mùng một tết về nhà nội thì bị vợ mắng. Về đến nhà mình thì vợ khóa cửa với đứa con nhỏ bên trong, đập phá gào thét đòi ly dị. Cũng vài trăm người vào mắng người vợ, đề nghị anh chồng ly dị và giành quyền nuôi con. Chỉ có vài người nhận ra là người vợ bị bệnh tâm thần.
Sự yếu kém trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam không chỉ gói gọn trong việc thiếu bác sĩ khoa tâm thần. Nó xuất phát từ một lý do rất hiển nhiên là đại đa số người dân không biết và không nhận biết được bệnh tâm thần.
>> Những người trẻ 'trầm cảm cười' vì chuẩn mực xã hội
Đối với hầu hết người dân Việt Nam, bệnh tâm thần là khi người bệnh bị "điên", không nhận thức được hành vi của mình, hoang tưởng và không có khả năng chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn lại là do tính cách tồi tệ, suy nghĩ lung tung, hay có lý do thực thể nào đó, như là bị tai nạn, chấn thương sọ não nên "khùng khùng".
Không nhận ra là bản thân hay người chung quanh bị bệnh thì dẫn tới việc người bệnh không được chữa bệnh. Người bệnh không đi chữa thì bác sĩ tâm thần không có thu nhập nhiều, khoa tâm thần bị coi nhẹ và tiền đầu tư cũng ít đi.
Vì thế người dân càng coi nhẹ khả năng bị bệnh tâm thần. Mọi thứ là một cái vòng lẩn quẩn mà những ai mắc kẹt trong đó đều gặp khó khăn khi cố gắng thoát ra.
Cải thiện sức khỏe tâm thần cho người dân cần phải bắt đầu từ một hành động đơn giản và thiết thực nhất là giáo dục sức khỏe tâm thần.
Ngày xưa khi tôi học cấp một cấp hai, sách giáo khoa đã có những bài học đơn giản về cách nhận biết các loại bệnh thông thường và cách xử lý. Các bệnh như đau mắt đỏ, đau mắt hột, quai bị, thương hàn đều được giảng dạy. Cách giữ gìn vệ sinh để phòng giun sán, phòng bệnh lây qua đường tiêu hóa, cách diệt bọ gậy để phòng bệnh sốt rét, sốt xuất huyết đều được giảng dạy.
Thậm chí cách nhận diện bệnh đau ruột thừa cũng được giảng dạy. Các bài học này có ích tới mức bản thân tôi sau khi học hàng chục năm trước vẫn tự chẩn đoán chính xác là mình bị đau ruột thừa.
Các bài học ở cấp phổ thông cần phải đưa sức khỏe tâm thần vào nội dung giảng dạy. Một điều ít ai biết là các căn bệnh tâm thần thường hay phát tác giữa 18 tuổi tới 25 tuổi. Vì vậy các sinh viên đại học đổ bệnh khá phổ biến.
Ngày xưa, thầy tôi ở trường đại học đã nói với tôi rằng, năm thứ ba, tức là khi sinh viên được 21 tuổi, đặc biệt nguy hiểm. Đó là năm học có nhiều sinh viên lăn ra ốm với các vấn đề tâm thần. Việc được giáo dục từ cấp phổ thông sẽ giúp cho các bạn trẻ bước vào đời với kiến thức nhận biết bệnh và từ đó có thể giúp bản thân hay những người xung quanh đi tìm sự giúp đỡ y tế khi cần.
Khi người dân tìm kiếm sự giúp đỡ y tế nhiều hơn thì khoa tâm thần cũng sẽ "đắt khách" hơn. Đó sẽ là tiền đề để thu hút các sinh viên y khoa đi về chuyên ngành này, bởi có tiền thì tất nhiên sẽ có nhiều người quan tâm tới. Hơn nữa, có tiền đổ vào thì các loại thuốc hiện đại sẽ được nhập về nhiều hơn, các cơ sở chữa bệnh nội trú mới sửa sang hơn, và tình trạng y tế tâm thần cũng đỡ hơn.
>> Tôi sống mòn chục năm vì trầm cảm
Sau hết là cách cư xử của xã hội đối với các căn bệnh tâm thần cần phải thay đổi, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất. Một lần trông thấy bệnh viện tâm thần lớn đã khiến tôi lắc đầu.
Ngoài cổng là một cái bảng rất to treo trên cao, với những con chữ rất to "Bệnh viện tâm thần", nhìn vào đã phát ngán. Các bệnh viện và phòng khám tâm thần ở Australia và ở Mỹ chả có những cái biển gây sợ như vậy.
Hai chữ "tâm thần" không nên được dùng như một từ để chê trách hay chửi bới. Chẳng ai đem tên các căn bệnh như ung thư, đau tim, viêm màng não ra chửi bới người khác bao giờ. Những nhận thức này là nền móng để sức khỏe tâm thần được cải thiện.
Trường học phổ thông nên là nơi gieo mầm cho những nền móng vững chắc này.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.