"Có nên rút tiết kiệm 2 tỷ đồng về quê làm rau sạch?", độc giả Hoc david chia sẻ quan điểm:
Trước khi quyết định khởi nghiệp, hãy làm như sau:
1. Viết ra 100 điểm, bao gồm lợi và hại của kế hoạch khởi nghiệp.
2. Đặt ra tình huống nếu và nếu, tức là giả lập ta đã đầu tư thì sẽ như thế nào? Hãy giả lập doanh nghiệp trong tương lai sẽ nhập hàng, giao hàng, phân phối và thu lại tiền lẻ, tiền chẵn ra sao?
3. Tìm một người đang làm công việc mình sắp khởi nghiệp và phân tích. Hãy xin phép họ để làm bài test hoặc thử nghiệm phân phối. Thậm chí, bạn có thể bỏ một tuần đi lang thang quan sát cửa hàng phân phối, xem các vấn đề ra sao, ghi chép lại và thống kê.
4. Phân tích, dự đoán theo quy mô giả sử chào hàng và tăng thêm shop hay cửa hàng... bạn sẽ có câu trả lời ngay.
5. Câu hỏi tiếp theo, để có được hai tỷ thì mất bao lâu, bao giờ thu hồi vốn và gia tăng tiền?
6. Quản trị rủi ro và khả năng mất hàng, hỏng hàng, thiệt hại tiền ra sao?
Từ đó, không chỉ ngành rau sạch mà các ngành khác bạn cũng có thể áp dụng và thấy được mình nên làm gì? Tôi thích câu nói: "Muốn kinh doanh cà phê, hãy đi làm thuê ở quán cà phê, đừng thò cả hai chân xuống nước".
Cuối cùng, có nhiều người tự hỏi mình rằng nên làm thuê hay làm chủ? Vấn đề là bạn đã làm chủ tài chính khi đi làm thuê chưa? Hoặc bạn đã làm được người chủ thật sự hay chưa? Đừng quá lạm dụng từ start-up, làm thuê hay làm chủ. Mỗi chúng ta cũng đang làm thuê cho chính mình. Có thể đi làm với bạn là sự nhàm chán, cần thay đổi hoặc dịch chuyển, nhưng cần có công thức tính toán để biết mình nên làm gì:
1. Tổng thu nhập bằng lương, thưởng được trả so sánh với việc tự làm chủ thế nào?
2. Tự làm được A, mất B và đi làm thì được C, mất D, bạn phải cân đối được thiệt - hơn.
3. Đam mê và nhiệt huyết sẽ giúp nhiều người được hạnh phúc.
4. Đường lùi là như thế nào? Nếu làm chủ thất bại, bạn không rơi vào cảnh nợ nần thì đi làm thuê lại là sự lựa chọn hợp lý, miễn ta cảm thấy vui và hạnh phúc.
5. Làm thuê và làm chủ dường như chỉ là điểm đến của mỗi hành trình. Cái gì đến sẽ đến. Nghề chinh phục mình, nếu được chọn, ta sẽ thành công.
6. Thêm một khía cạnh nữa, khi làm thuê và tích lũy đủ tư bản, bạn có thể chọn đầu tư, đó cũng là làm cho chính mình, nhưng tính toán rủi ro mới là điều quan trọng.
Sẽ có ý kiến nói rằng vốn quan trọng nhất khi khởi nghiệp. Nhưng tôi cho rằng không phải vậy. Vốn là yếu tố cần quan tâm sau cùng. Quan trọng khi khởi nghiệp chính là định hình kế hoạch, đánh giá tính khả thi, tối ưu nhân sự. Sau đó mới cần đến vốn để tiến hành.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.