Tôi cũng giống tác giả bài viết "Khánh kiệt tuổi 30 vì nghiện đầu tư chứng khoán, tiền ảo". Năm nay 29 tuổi, tôi biết đến Forex từ một đứa bạn thân cách đây một năm. Lúc đầu chỉ tập tành chơi vài đôla, sau đó tăng lên vài trăm đôla. Có lúc tôi kiếm được 1.000 USD, thậm chí trong đợt tăng của giá đầu, tôi còn kiếm được 4.000 USD, nhưng sau đó đã âm một số tiền khá lớn.
Bản chất nghiện Forex không bỏ được là do tỷ lệ lợi nhuận rất cao, các sàn có đòn bẩy 1:1000. Tôi đã ở trong hoàn cảnh này nên tôi hiểu rằng cai nghiện Forex rất khó, vì lợi nhuận rất cao. Ví dụ bạn có 100 USD, chỉ sau vài tiếng, số tiền đó có thể biến thành 400 USD. Với tâm lý muốn kiếm lại số tiền đã bỏ ra, nếu không thể lời thì ít nhất cũng trả được tiền vay khi tới kỳ. Hy vọng đó sẽ thôi thúc bạn chơi tiếp, chơi mãi, rồi lún sâu.
Ban đầu, tôi đến với Forex với mong muốn là kiếm chút tiền uống cà phê thôi, từ trước tới giờ tôi cũng không biết chơi bài bạc. Tôi cũng từng đã nghĩ rằng tại sao có những người mê cờ bạc đến khánh kiệt như vậy, nhưng khi trong hoàn cảnh đó rồi, tôi mới hiểu được.
Ai chẳng muốn gỡ lại số tiền đã mất, tôi cũng vậy, nhưng càng chơi càng lỗ đậm hơn. Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc khi đã vay tín chấp ngân hàng và "đốt" toàn bộ số tiền làm lụng tích góp trong mấy năm đi làm vào cuộc chơi đỏ đen này. Có những lúc, tôi cảm thấy mình thật bất lực, đặc biệt là những lần vì không trả được tiền khi tới tháng mà người của ngân hàng điện tới đòi tiền, một ngày vài chục lần.
Cuối cùng, để cai nghiện Forex, tôi đã quyết định nói tất cả cho gia đình, và mượn tiền của người tân để trả nợ và hủy thẻ tín dụng. Sau đó, tôi toàn đưa thẻ ngân hàng (dùng để nhận lương) cho em mình giữ hộ. Tất cả các khoản chi của tôi đều chuyển lại cho em quản lý, thực hiện. Hàng tháng, khi công ty chuyển lương, em tôi sẽ thanh toán các khoản vay, chỉ rút đưa tôi một số tiền khoảng 600.000 đồng để đổ xăng và phòng thân khi đi làm.
>> Trắng tay vì đầu tư 'mù' chứng khoán
Không có tiền trong tay, nên suốt khoảng tám tháng nay, tôi hầu như không ăn ngoài, không cà phê, từ chối mọi cuộc nhậu với bạn bè. Đã có những lúc, tôi phải tính toán chi ly từng chút một: tiền ăn bao nhiêu một ngày, không dám uống chai nước 10.000 đồng, vì sợ không còn tiền ăn cho ngày hôm đó. Cuộc sống dù rơi vào thảm cảnh như vậy, nhưng tôi vẫn thấy mình may khi còn giữ được một công việc ổn định với mức thu nhập đều đặn mỗi tháng. Theo tính toán, tới tháng 11 năm sau tôi mới trả hết nợ (nếu may mắn công việc vẫn được duy trì như hiện tại).
Từ chính bài học xương máu mà bản thân đã và đang phải nếm trải, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm để cai nghiện Forex như sau:
Đầu tiên, bạn không nên giữ tiền bằng mọi giá. Thay vào đó, hãy đưa cho người thân của mình quản lý, giúp thanh toán hộ các khoản vay khi tới kỳ. Bạn chỉ nên giữ một số tiền tối thiểu đủ cho chi tiêu sinh hoạt cơ bản mà thôi. Việc rời xa tiền bạc và các khoản vay sẽ giúp bạn tĩnh tâm, không còn nghĩ đến chuyện "thua keo này, bày keo khác", cố chơi để gỡ.
Nếu bạn đang thất nghiệp, việc quan trọng nhất là hãy đi kiếm một công việc có thu nhập ổn định, có thể giúp bạn chi trả các khoản vay hàng tháng. Đừng thử sức kinh doanh hay làm gì đó mà bạn không rành, thiếu kiến thức, kinh nghiệm. Lúc này, bạn không đủ tỉnh táo để làm bất cứ việc gì mạo hiểm, trừ việc bạn đã làm từ lúc ra trường đến giờ.
Nếu có thể, hãy mượn tiền của những người thân thiết trong gia đình để trả đứt số tiền đang nợ ngân hàng, các thẻ tín dụng càng sớm càng tốt.Vì Forex có liên kết với thẻ visa nên cách tốt nhất để cai nghiện Forex là nhanh chóng trả nợ và hủy hết các thẻ này đi để còn còn bị chúng làm phân tâm. Cùng với đó, hãy hủy các dịch vụ Internet banking, đưa thẻ ngân hàng cho người thân giữ hộ, thu chi thay bạn.
Cuối cùng, hãy chuyên tâm làm việc đều đặn và chăm chỉ để có tiền. Đồng thời, thử liệt kê các khoản bạn phải trả hằng tháng, xem thu nhập hiện tại có đủ để trả nợ ngân hàng không? Nếu không, hãy chuyển việc thu nhập cao hơn hoặc tìm cách làm thêm để tăng thu nhập. Cứ làm từng bước như vậy, tôi tin khó khăn sẽ sớm qua đi và bạn sẽ có cơ hội để làm lại từ đầu.
Thật ra, việc này không hoàn toàn là tệ hại, ngoài việc bạn bị suy sụp tinh thần và cảm giác mình ngu ngốc. Trong cái rủi thường có cái may, cũng nhờ cú vấp ngã đầu đời này mà tôi ngộ ra được nhiều bài học quý giá. Ít nhất lúc này tôi vẫn chưa lập gia đình nên việc mang nợ hầu như chỉ ảnh hưởng đến cá nhân tôi. Nếu đã lập gia đình và có con thì đây quả là một điều tồi tệ thật sự. Bên cạnh đó, việc nợ nần cũng giúp tôi biết kiểm soát chi tiêu hơn. Nó giúp tôi có kinh nghiệm trong việc giải quyết khủng hoảng sau này.
Bản thân tôi chắc chắn không muốn điều này lặp lại một lần nữa, nên tôi bắt đầu lập ra các khoản dự phòng nếu có điều kiện. Chuyện này cũng giúp tôi biết quý trọng gia đình hơn và những người sẵn sàng giúp đỡ mình lúc khó khăn. Dù sao, tôi cũng cảm thấy rất may mắn vì mình vẫn còn thời gian để trả nợ và tích lũy lại từ đâu. "Đời ai cũng phải mắc sai lầm, nhưng đừng để những sai lầm đó đánh gục mình là được", tôi thấm thía điều này hơn bao giờ hết.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.