Áp lực bán tháo tăng cao, hơn 220 cổ phiếu giảm hết biên độ, khiến VN-Index mất gần 60 điểm trong phiên đầu tuần, đóng cửa hôm nay (5/9) tại vùng giá thấp nhất kể từ tháng 7/2021, đồng thời phá hàng loạt ngưỡng hỗ trợ quan trọng như 1.280 điểm, 1.270 điểm. Thông tin này chắc hẳn khiến rất nhiều nhà đầu tư Việt hoang mang, lo lắng cho số phận những mã mà mình đang nắm giữ. Phải chăng chứng khoán Việt đã trở về đúng giá trị thực của nó sau nhiều năm tăng "nóng"?
Thực ra, muốn biết chứng khoán tại Việt Nam có giá trị thật như thế nào, chúng ta cần nhìn vào so sánh này: Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu, gọi tắt là tỷ số P/E (Price to Earning Ratio) trung bình của chứng khoán Việt Nam hiện tại là khoảng 15-16. Trong khi, con số tương tự ở Mỹ là 25. Tôi không cho rằng chứng khoán Mỹ bây giờ là rẻ, nhưng với góc nhìn của một người đầu tư giá trị, chỉ cần nhìn qua các bạn cũng sẽ thấy chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn đúng không?
So sánh một cách dễ hiểu hơn, nếu hai công ty cơ bản, khả năng mở rộng tăng trưởng thấp (công ty ở Việt Nam có tỷ số P/E khoảng 15, còn công ty ở Mỹ có tỷ số P/E khoảng 25). Có nghĩa là nếu bạn đầu tư 100 triệu đồng vào công ty Việt thì nếu cứ tăng trưởng, không có đột biến, sau 15 năm bạn sẽ hồi vốn. Còn với công ty Mỹ bạn phải mất tới 25 năm.
>> 180.000 USD bốc hơi sau 14 ngày chơi chứng khoán quốc tế
Như vậy có phải công ty của Việt Nam hấp dẫn hơn công ty của Mỹ? Thực ra, chúng ta thường quên mất một điều, đó là nếu tôi có 100 triệu đồng, sau 15 năm mới hồi vốn (nếu đầu tư vào công ty Việt). Trong khi đó, cũng với số tiền trên, nếu tôi đem gửi ngân hàng với lãi suất hiện tại 7%/năm thì chỉ sau 7-8 năm là tôi đã hồi vốn (lãi kép).
Còn nếu ở Mỹ, với mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng chỉ khoảng 1,5%/năm, tôi sẽ chẳng dại gì gửi tiền vào ngân hàng. Đầu tư vào công ty kia, tôi thậm chí còn được lãi tới 4%. Đấy chính là lý do tôi đánh giá thị trường chứng khoán hiện tại ở Việt Nam không hề hấp dẫn, dễ ăn như nhiều người vẫn tưởng.
Người Việt hầu như chỉ mong mua đi bán lại cho người sau theo kiểu "lướt sóng" để kiếm lời, chứ rất ít người mong muốn nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp trong dài hạn. Làm như thế sẽ chẳng có lợi với thị trường về lâu về dài. Giá cổ phiếu Việt hiện tại có thể đang rẻ trong suy nghĩ của nhiều người, nhưng chưa chắc nó đã là một "miếng bánh ngon dễ nuốt" cho tất cả.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.