Khi tôi và bà xã lần đầu gặp nhau, chúng tôi đã ở cái tuổi xấp xỉ 30, có kinh nghiệm tiếp xúc xã hội nhất định. Ở tuổi này không cần phải rào đón trước sau gì cả. Cô ấy là người đầu tiên đưa ra các vấn đề học thuật, xã hội, nghệ thuật, hạnh phúc gia đình... để "thăm dò" tôi. Tôi trả lời thẳng thắn theo suy nghĩ của bản thân, không quanh co lòng vòng.
Rồi chúng tôi cùng nhau đi chơi gần đến du lịch xa, thăm hỏi cha mẹ, người thân của nhau, thăm viếng quê hương bà con hai họ của nhau. Sau ba tháng, tôi chủ động đặt vấn đề cưới hỏi. Không có chút khó khăn cản trở nào. Đến nay, chúng tôi đã sống với nhau hơn 20 năm. Cha mẹ cô ấy là tiểu thương, cha mẹ tôi là trí thức. Nội ngoại tôi toàn bộ là trí thức và doanh nhân. Nội ngoại cô ấy là tiểu thương. Những đứa em của cô ấy (bao gồm cả các em họ bên nội bên ngoại) đều tốt nghiệp đại học.
Chênh lệch là chuyện của đời trước, đời sau không chênh lệch là đủ rồi. Có chênh lệch chăng là ở cái gọi là "truyền thống gia đình". Một bên khá mê tín dị đoan, bên kia gần như vô thần. Con dâu của ông bà đáp ứng đầy đủ các tiêu chí thì ông bà còn đòi hỏi gì nữa. Con dâu hơi mê tín chút nhưng bù lại bàn thờ gia tiên tươm tất, lễ giỗ đầy đủ. Ông bà hài lòng, thương con dâu lắm, thương đến mức nhiều khi tôi nhầm tưởng mình không phải là con trai mà là con rể.
>> 'Lệ thuộc kinh tế khiến nhiều phụ nữ cam chịu đòn roi của chồng'
Phía nhà vợ, tôi vẫn thường xuyên "tháp tùng" ông bà nhạc đi chùa mặc dù tôi vô thần. Đặc biệt, cha vợ cực kỳ ăn ý với con rể, bao che hết mức như thể tôi là con trai ruột của ổng. Về nhà vợ là cả băng em vợ, em họ 2 bên nội ngoại của vợ, anh em cột chèo (anh em rể) lại hú nhau tụ tập bày bàn nhậu nhẹt. Bên tôi không nhậu nhẹt, Tết nhất ngày nghỉ dài ngày thì xách ba lô đi du lịch xa.
Do thích náo nhiệt, tôi thăm hỏi bên phía vợ nhiều hơn bên phía mình còn cô ấy thì ngược lại. Nhờ quan hệ bên phía tôi, cô ấy nhanh chóng trở thành "nữ doanh nhân", thu nhập vượt xa tôi, quan hệ xã hội rất rộng. Lương của tôi xấp xỉ 60 triệu, so với tiền cô ấy kiếm được không đủ để nhét kẽ răng. Người ta nói tôi có phúc. Vậy cái phúc ấy từ đâu mà có? Có phải từ sự bắt đầu làm quen tìm hiểu bà xã không?
Trước hết, bạn có tư duy độc lập không? Không có thì đừng đề cập đến môn đăng hộ đối. Tư duy độc lập là bạn có suy nghĩ riêng, biết tham khảo ý kiến nhiều chiều của người này người kia, cân nhắc và tự đưa ra quyết định. Người không có tư duy độc lập thường phụ thuộc vào suy nghĩ của người khác, đặc biệt cực kỳ quan tâm đến cái gọi là "dư luận". Dư luận là một thứ gây áp lực.
>> Tôi chưa bao giờ cấm cản chồng đưa con riêng đi chơi với vợ cũ
Tuy nhiên, dư luận chả bao giờ đồng nhất vì luôn có những nhóm người, những giai tầng khác nhau. Tự bạn phải xác định được, bạn thuộc về nhóm người nào, giai tầng nào. Nếu nhóm người hay giai tầng của bạn có dư luận này nọ về bạn thì đó mới là cái đáng quan tâm chứ không phải ai nói gì cũng nghe (ai nói gì cũng nghe gọi là "ba phải").
Quan tâm ở đây là suy nghĩ xem ý kiến của họ có tính xây dựng, làm lợi cho mình hay là loại ý kiến thuộc dạng "độc mồm độc miệng". Loại thứ nhất rất ít, loại thứ hai thường chiếm đa số.
Ta quan tâm để ta phân tách lọc bỏ ra người nào đáng để ta giao lưu chứ không phải quan tâm là phụ thuộc vào ý kiến của họ. Ngoài ra, cũng có những người không quan tâm dư luận, không cần tham khảo ý kiến của ai. Những người này thường là những người cố chấp bảo thủ, tự cho là đúng. Những người này ít khi vấp ngã nhưng khi vấp ngã sẽ ngã một cú rất đau gần như không đứng lên nổi. Đề cập đến tư duy độc lập để làm gì ?
Nếu bạn đời của bạn có tư duy độc lập như bạn thì áp lực cha mẹ người thân bạn bè đồng nghiệp gây ra phần ai nấy gánh. Tóm lại. Tư duy độc lập trong hôn nhân chính là môn đăng hộ đối. Làm sao biết bạn trai/ bạn gái của bạn có tư duy độc lập? Bạn đã bao giờ đến nhà họ chơi chưa? Có thường xuyên không? Có hay gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp của họ không?
Trong những cuộc gặp gỡ ấy, bạn khéo léo đưa ra vấn đề để mọi người cùng tranh luận nhẹ nhàng. Từ đó, dựa vào mức độ tham gia của bạn trai/ bạn gái ấy mà ta xác định được họ có tư duy độc lập hay không. Không có thì nên rút lui chia tay sớm để tránh những chuyện đau lòng về sau khi tình cảm sâu sắc đến mức không bứt ra được.
>> Tôi chưa bao giờ cấm cản chồng đưa con riêng đi chơi với vợ cũ
Phương Tây có câu danh ngôn "Cho tôi nói chuyện với bạn của bạn, tôi sẽ cho biết bạn là người như thế nào". Tư duy độc lập được hình thành từ đâu? Từ giáo dục và từ sự tự lập. Cha mẹ thường xuyên áp đặt con cái thì chúng sẽ ỷ lại, không muốn lo nghĩ những chuyện nhức đầu.
Những đứa trẻ ỷ lại cha mẹ thường là những đứa trẻ hay bị bắt nạt ở trường. Có việc làm có thu nhập rồi vẫn ở chung với cha mẹ thường ỷ lại vào cha mẹ, không quan tâm những chuyện nhà cửa, đi chợ nấu ăn hàng ngày, có con cái cũng vứt cho cha mẹ chăm sóc.
Lắm người hai, ba mặt con mà hỏi chuyện chăm sóc con nít, đi chợ nấu ăn hàng ngày thế nào, ú ớ hoặc mần thinh. Vợ/ chồng không có tư duy độc lập khi đưa ra ý kiến gì đó, người còn lại sẽ rất nhức đầu vì ý kiến của ông xã/ bà xã chịu ảnh hưởng nặng nề của "ai đó" chứ không phải là ý kiến riêng của họ.
Những ý kiến này thường không đặt trên nền tảng của cái gia đình nhỏ này mà dựa trên nền tảng của "ai đó" mà họ chịu ảnh hưởng. Ví dụ, người ta có tiền người ta mua xe hơi. Mua xe hơi xong cũng chả ảnh hưởng gì đến khả năng tài chính chi phí hàng ngày. Mình không có tiền nhưng mình chịu ảnh hưởng của "ai đó" có xe hơi, thế là gom góp vay mượn khắp nơi để mua bằng được xe hơi. Có xe hơi rồi thì nợ nần ngập mặt, cuộc sống đảo lộn, tự làm khổ chính mình.
Ví dụ khác, hợp tác kinh doanh thua lỗ. Ừ, mình mất họ cũng mất. Thế nhưng mình lại không chịu nghĩ, cái mình mất với mình là cả gia tài, cái họ mất với họ chả bằng cọng lông.
>> 'Đừng nghĩ đẻ nhiều để sau này con cái nuôi mình'
Tư duy độc lập là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ là trình độ văn hóa phải tương đồng. Tôi nhấn mạnh là trình độ văn hóa không phải là trình độ học vấn (bằng cấp) nhé. Người có trình độ văn hóa cao dễ dàng giao lưu tiếp xúc với người khác, biết việc gì cần làm việc gì không nên làm, có khả năng tập hợp phân tích tin tức và đưa ra dự đoán đơn giản ở tương lai gần, có kế hoạch chi tiết cho cuộc sống cũng như công việc, biết thưởng thức nghệ thuật (phim ảnh, ca nhạc, hội họa, sân khấu, văn học, tin tức báo chí...).
Hai người có trình độ văn hóa tương đồng sẽ dễ dàng chia sẻ những thành công cũng như khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, giải trí, công việc nhà cửa nội trợ. Trình độ văn hóa chênh lệch sẽ dẫn đến những cuộc cãi vã "ông nói gà bà nói vịt", chuyện nhỏ hóa to sớm muộn cũng dẫn đến đổ vỡ, ly hôn, trừ phi, vâng, bao giờ cũng có ngoại lệ, người này hoàn toàn phụ thuộc người kia về mọi mặt. Bạn đã bao giờ đưa bạn trai/bạn gái đi xem phim, sân khấu... chưa?
Xem rồi có bình luận, tranh luận về cái đã xem không hay xem chỉ để có thời gian gần gũi thôi? Bạn càng kỹ tính (không phải là khó tính nhé) với người yêu thì cuộc sống sau này sẽ rất nhẹ nhàng, ít phải chịu các áp lực về gia đình, toàn tâm toàn ý đối phó với các loại áp lực bên ngoài.
Ngược lại, chuyện nhà rối tung, áp lực xã hội, áp lực công việc lâu dần dẫn đến stress và đủ thứ bệnh về thần kinh. Nên nhớ rằng, gia đình là hậu phương không phải là chiến trường. Ở ngoài đối phó với người dưng đã đủ mệt, về nhà đối phó với người thân nữa thì hỏng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.