Sau bài viết Vì sao 'môn đăng hộ đối' quan trọng, độc giả Ngoc Bui chia sẻ:
Tôi đã lập gia đình được 11 năm. Hai vợ chồng tôi đến từ hai gia đình khác nhau về kinh tế, hoàn cảnh sống. Vì thế mà các quan niệm sống và cách nhìn nhận vấn đề của hai vợ chồng rất khác nhau. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến hạnh phúc gia đình.
Dù không muốn thừa nhận, nhưng tôi phải công nhận rằng, môn đăng hộ đối thực sự rất quan trọng. Gia cảnh một người không chỉ là vấn đề vật chất mà nó ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen sinh hoạt, cách nhìn nhận vấn đề, quan niệm sống của người đó. Cách sống của người giàu rất khác người nghèo. Tất nhiên, để có cuộc hôn nhân hạnh phúc cần nhiều thứ khác nữa nhưng môn đăng hộ đối thực sự không thể bỏ qua.
Độc giả Tuyet Oanh kể về cuộc hôn nhân đầy khó khăn khi có lối sống trái ngược với nhà chồng:
Gia đình chồng thuần nông trong khi gia đình tôi lại thuần kinh doanh trước khi lên Sài Gòn sinh sống. Khi cưới về má chồng suốt ngày so sánh tôi với những người vợ ở dưới quê là "Có ai sướng như bây không, ngủ tới 6, 7h mới dậy. Dâu con người ta ở dưới quê 4, 5h sáng dậy lo cơm nước cho chồng rồi".
>> 'Sinh con để hưởng thú vui làm cha mẹ là ích kỷ'
Trong khi đó tôi làm ngân hàng và đang học cao học, 9h tối mới về tới nhà, cơm nước tắm rửa, dọn dẹp xong 11h mới được đi ngủ. Chồng tôi rất yêu vợ nhưng lại sợ rủi ro, suốt ngày ôm mẹ để được ở nhờ và bắt vợ phải nghe lời má bất chấp đúng sai theo kiểu "má nói con chó là con mèo thì bà cũng phải nói là mèo", có khi còn chửi vợ để má vui lòng. Tôi chủ động kết thúc cuộc hôn nhân này và đây là quyết định theo tôi là đúng đắn nhất.
Môn đăng hộ đối theo tôi thì nên hiểu đó chính là sự tương đồng về lối sống, suy nghĩ, quan điểm trong các vấn đề xã hội... chứ không chỉ về kinh tế. Như bản thân tôi, khi trẻ yêu mà không đặt những vấn đề này ra để xem xét, chỉ nhìn thấy người yêu mình có ý chí tiến thủ và thương yêu mình là được rồi.
Độc giả Tran Tuan cho rằng gia đình chỉ hạnh phúc khi hai vợ chồng có chung một "nhân sinh quan":
Ngày xưa khi nói câu "Môn đăng hộ đối" thì ta sẽ thường nghĩ về sự tương quan vật chất. Nhưng nếu hai người yêu nhau nhưng "nhân sinh quan" khác nhau thì hôn nhân cũng khó mà hạnh phúc được. Nhiều người lại cố chấp khi cho rằng có thể hòa hợp "nhân sinh quan" lẫn nhau để tìm được hạnh phúc, nhưng điều đó khó mà thành hiện thực trong thế giới "phẳng" ngày nay.
>> 'Lệ thuộc kinh tế khiến nhiều phụ nữ cam chịu đòn roi của chồng'
Độc giả có nickname Hạ vàng 2019 đồng quan điểm: Môn đăng hộ đối là sự cân bằng về trình độ văn hóa và hoàn cảnh sống khi đó thế giới quan sẽ giống nhau. Tôi nghĩ đều này rất đúng nhưng vợ chồng muốn có hạnh phúc thì phải giảm cái tôi của mình xuống, không sống với nhau chỉ vì tình mà còn vì nghĩa nữa.
Độc giả có nickname Cúc Họa Mi đúc kết:
Năng lực, chí hướng, mục tiêu của một người có thể được thay đổi rất nhiều do những cố gắng, nỗ lực của bản thân. Nhưng tính cách, sở thích, cách sống, quan niệm về giá trị sống được hình thành rất lâu dài từ khi sinh ra đến lúc lớn lên, trưởng thành và bị ảnh hưởng khá nhiều bởi gia đình.
Từ lối sống, sinh hoạt, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau, nó đã từ từ ăn sâu vào cách nhìn nhận, ứng xử cuộc sống của mỗi người. Bao nhiêu đời kinh nghiệm đúc rút nên "môn đăng hộ đối" là có cơ sở thực tiễn kinh nghiệm cả. Bản thân tôi, càng có tuổi đời, kinh nghiệm, mình càng thấy đúng.
"Trong hôn nhân không chỉ có trăng sao, hoa lá trên trời mà còn là dầu, mắm muối của thực tế. Nếu bạn muốn nhìn thấy nhau trong những vấn đề tầm thường này, bạn phải chọn những người có giá trị tương tự như mình". Một lời khuyên rất chuẩn. Đáng tiếc là các bạn trẻ thường thấy cuộc sống rất màu hồng, tin rằng tình yêu sẽ thay đổi tất cả...
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.