Sau bài viết 'Không dám sinh con thứ hai dù có nhà Sài Gòn' độc giả Lan Rừng chia sẻ:
Tôi có một bé trai 9 tuổi, ai gặp cũng hỏi sao không sinh thêm. Nói thật lòng vật chất để nuôi một đứa trẻ rất quan trọng, không phải cứ sinh ra rồi bỏ cù bất cù bơ. Tôi từng nghe thím dâu về quê mỉa mai rằng ở đây sinh con ra là chăn dắt chứ không phải là chăm sóc. Vâng đúng là như vậy đời không ai ngờ, giờ cuộc sống nuôi con của gia đình thím lại đúng kiểu chăn dắt. Mỗi nhà một cảnh nhiều phụ nữ sinh con vì chồng hay chỉ vì thích nhiều con.
Đừng nghĩ sinh nhiều sau này để con nuôi và chăm mình, bản thân mình còn chưa chăm và lo được cho cha mẹ nữa kìa. Hãy có kinh tế tốt để lo cho mình trước rồi hãy nghĩ đến chuyện khác.
Một số độc giả cho rằng nhiều cặp vợ chồng ngại đẻ thêm con vì sẽ bị ảnh hưởng thu nhập:
Lớp trẻ bây giờ rất ngại sinh nhiều con. Nếu đang làm ở công ty tốt, đang giữ vị trí cao, thu nhập tốt thì không dám đẻ. Thu nhập còm cõi càng không dám đẻ. Mấy đứa cháu tôi, khi được hỏi định bao giờ sinh thêm em bé, mười đứa thì hết chín bảo là chưa dám nghĩ đến việc đẻ thêm.
Xã hội mội thời mỗi khác, ngày trước xã hội phân hoá giàu nghèo không rõ ràng, ai cũng làng tàng như ai. Nhưng bây giờ càng ngày chênh lệch giàu nghèo càng lớn. Ai cũng nghĩ cứ sinh nhiều rồi sau lại trách đời sau có đứa sinh ra đã ở vạch đích.
Sinh con ra không cho con được những điều tốt nhất thì cũng phải chắc chắn cho con được đủ hành trang trên đường đời. Nghịch lý nhà nghèo sinh nhiều nhà giàu thì sinh ít nên người nghèo càng nghèo, kẻ giàu càng giàu.
Trong khi đó, độc giả Yến nêu quan điểm rằng vấn đề cần quan tâm là nâng cao chất lượng dân số chứ không nên chạy theo số lượng:
Dân số Việt Nam đông hàng top thế giới. Số người có việc làm đúng nghĩa để có sự nghiệp đàng hoàng thì ít ỏi, đa số chỉ lao động phổ thông làm việc lặt vặt. Sinh một đứa hoặc tự lực bản thân cho bằng với công dân của nước phát triển lúc đó hẵng nghĩ đến cơ hội sánh vai bạn bè. Dân số có lượng mà không có chất chỉ khiến xã hội tụt hậu, gây nhiều hệ luỵ cho cộng đồng, mãi không phát triển được xã hội. Bản thân người sinh con nhìn con như vậy cũng muộn phiền, con cũng chán nản với cuộc sống, chả có gì tốt đẹp.
Để điều tiết dân số và dân số có chất lượng thì cần phụ nữ có trình độ học vấn cao và tự chủ kinh tế. Lúc đấy sẽ không phụ thuộc hay bị tác động bởi bên thứ hai. Chỉ có tình mẫu tử, chủ thể cảm nhận trực tiếp quá trình mang nặng đẻ đau, mối ràng buộc thiêng liêng trực tiếp với đứa bé dù trai hay gái là luôn sở hữu tình yêu của bậc sinh thành vô điều kiện.
>> Cha mẹ Việt nên quen dần việc nuôi con không phải để 'dưỡng già'
Có những phụ nữ mong đẻ cho có con trai chỉ vì bên thứ hai, ba muốn thế. Do bị phụ thuộc về vật chất để sống, bản năng sinh tồn và an toàn lấn át phần mẫu tử, nên họ quay ra ruồng rẫy con gái, và đẻ cho đến khi có con trai. Hiện tượng lâu dần trở thành lối suy nghĩ sinh con trai lây lan trong xã hội, đó là lý do chúng ta tăng dân số một cách lệch lạc kém chất lượng khi phụ nữ không làm chủ kinh tế, vì hầu hết các trường hợp có kinh tế mới có tiếng nói trong gia đình.
Cả nam và nữ phải có nền học vấn thực sự tốt để nhận định, tính toán được giá cả sinh hoạt thực tế của xã hội ở level A, B khi sinh và nuôi một đứa trẻ ở level đấy và nhận diện được level nào mới mang lại hạnh phúc cho đứa trẻ.
Muốn làm cha mẹ thì phải biết sinh con là chuẩn bị phải làm được gì cho con, nó phải được sống đầy đủ, phát triển trong môi trường sống xanh sạch đẹp ra sao, chứ nghĩ sinh con là vì mình thích thì không phải là cha mẹ.
Nuôi một đứa trẻ để tốt và giỏi thì tình thương của cha mẹ là chưa đủ. Tinh thần và vật chất luôn đi liền. Để phát triển phải có đầu tư bài bản và khoa học cho đứa trẻ và cần rất nhiều tiền.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.