Bàn về chuyện môn đăng hộ đối và hạnh phúc vợ chồng, độc giả có nickname Mẹ bạn Đậu chia sẻ:
Hôm qua tôi ngồi ăn với một chú em mới cưới vợ được hơn một tháng. Từ đầu tới cuối chú kêu than chán nản và hối hận, muốn bỏ vợ. Chú quen vợ rồi yêu rất nhanh, cưới cũng rất vội. Bố mẹ chú phản đối rất dữ vì thấy gia cảnh, lối sống, nề nếp hai nhà quá khác biệt. Nhưng chú vẫn quyết tâm cưới vì bạn gái có bầu.
Giờ cưới về kêu hối hận, không tìm hiểu kỹ... Bố mẹ vợ suốt ngày đòi tiền, vợ thì lén lút cho tiền ba mẹ. Chú ấy nói ức chế không phải vì tiền, mà vì không biết bố mẹ vợ cần tiền làm gì, hỏi thì không nói, vợ thì thậm thụt. Rồi anh chị vợ, cứ tưởng chú giàu, có cơ hội là đòi tiền... Không có tiền nhưng huênh hoang, phung phí.
>> Tôi chưa bao giờ cấm cản chồng đưa con riêng đi chơi với vợ cũ
>> Cha mẹ Việt nên quen dần việc nuôi con không phải để 'dưỡng già'
Nhà chú thì bố mẹ chịu khó làm ăn, tiết kiệm nên kinh tế khá giả. Bây giờ ức chế chú ấy chỉ than với anh chị, không dám nói với bố mẹ vì trót không nghe lời.
Môn đăng hộ đối là tương xứng về gia cảnh hai nhà, về giáo dục, lối sống, nề nếp, suy nghĩ, tư duy, tính cách... Chứ không chỉ là về tiền.
Chuyện của tôi cũng vậy. Trước kia, có rất nhiều người có tiền theo đuổi, nhưng tôi đều từ chối. Vì tôi thấy gia cảnh họ và mình khác nhau quá. Nhà mình nông dân bình thường. Nghĩ tới cảnh bố mẹ mình phải khép nép, tự ti khi giao tiếp với thông gia giàu có là tôi từ chối hết mấy anh có tiền.
Lúc lấy chồng, tôi ngoài vì yêu anh còn vì gia cảnh hai nhà tương xứng. Nhà chồng cũng nông dân, hai bên ông bà nói chuyện với nhau cũng dễ, vui vẻ. Chồng có quan điểm sống và suy nghĩ khá giống tôi. Cái tiên quyết quyết định hôn nhân bền vững là sự phù hợp. Chứ tình yêu chỉ là một phần rất nhỏ thôi
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.