Những ngày qua, gần như khắp các diễn đàn, mạng xã hội bị khuấy động bởi các tranh luận xoay quanh sự kiện nhóm nhạc Blackpink của Hàn Quốc tổ chức concert tại Việt Nam. Khán giả lớn nhất của họ là hàng hàng chục ngàn thanh thiếu niên cuồng nhiệt hưởng ứng.
Hàng chục năm trước, tại Nhật Bản đã có việc các công ty giải trí dựng hình ảnh thần tượng (idol) của các cô gái xinh đẹp, ngây thơ, để tạo một cộng đồng người hâm mộ. Họ kinh doanh các vật phẩm và làm quảng cáo thông qua sức ảnh hưởng của những idol này. Tuy vậy, quy mô ảnh hưởng của mô hình này còn nhỏ, vì cũng không có quá nhiều sự hấp dẫn khác ngoại trừ sự xinh xắn, dễ thương của các idol.
Tiếp theo đó, giới giải trí Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan... khai thác sức ảnh hưởng của các diễn viên điện ảnh hoặc ca sĩ để kiếm tiền. Tuy vậy, điều này cũng rất khó khăn vì những nhân vật này phải khẳng định được qua thời gian cống hiến cho khán giả. Thêm vào đó, vì đặt nặng vào tài năng nghệ thuật nên thần tượng chưa chỉn chu về các khía cạnh khác trong cuộc sống, thậm chí là vướng vào scandal, tai tiếng.
Đầu thập niên 2000, âm nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc tràn ngập một số quốc gia châu Á. Ban đầu nó xuất phát từ kinh tế truyền thông làm quảng cáo của các nhãn hàng lớn. Nhưng rồi chính phủ Hàn Quốc đã ý thức được việc làm chiến lược tuyên truyền văn hóa, tạo sức mạnh mềm. Một thuật ngữ được giới thiệu là "culturenomy". Họ đầu tư vào việc tạo ra làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) tại các quốc gia châu Á.
Trên tàu điện ngầm tại Seoul, tôi đã nhìn thấy những poster thể hiện tham vọng gây ảnh hưởng kinh tế của Hàn Quốc trên thế giới. Ví dụ trong một poster có đại ý là "Với hiệp định FTA, lãnh thổ Đại Hàn Hàn Quốc mở rộng khắp nơi". Bên cạnh những bản nhạc có giai điệu ngọt ngào, âm nhạc Hàn Quốc khi này xuất hiện một mô hình mới. Đó là những nhóm nhạc idol thế hệ đầu tiên.
Âm nhạc lúc này vẫn là chính, các nhóm thể hiện và tạo sự yêu thích lên khán giả vẫn chủ đạo là bằng ca khúc hay, biểu diễn bắt mắt. Vì vậy chất lượng các ca khúc và giọng hát của các ca sĩ vẫn là yếu tố then chốt. Truyền thông khai thác rất nhiều về đời tư và hình ảnh của các ca sĩ, nên dần dần, yếu tố chất lượng nghệ thuật không còn là điều duy nhất để tạo ra các cộng đồng hâm mộ.
>> Lý do gì 'ném đá' fan cuồng Blackpink
Và đến cuối thập niên 2000, đầu thập niên 2010, mô hình "nhóm nhạc thần tượng" đã ra đời. Các nhóm giải trí này hát không cần giỏi. Họ thường dùng lipsync khi biểu diễn. Hát đồng ca để không che giấu giọng hát bình thường của mình. Thỉnh thoảng, có người gọi nhầm là "ban nhạc" nhưng chắc chắn là thông thường các thành viên đều không biểu diễn nhạc cụ và cũng không có khả năng sáng tác.
Họ nhảy múa những điệu nhảy đơn giản, ai cũng có thể bắt chước. Vì vậy nếu có các bài viết nói rằng họ phải "khổ luyện" thì chúng ta hãy tự hỏi là khổ luyện cái gì? Các bài hát của những nhóm giải trí thần tượng thường có ca từ đơn giản, giai điệu không quá cầu kỳ. Nhưng chính vì thế mà nó dễ nhớ, dễ thuộc, dễ được giới trẻ bắt chước và lan truyền nhanh.
Có một dòng ý kiến cho rằng, để trở thành thần tượng, các thành viên những nhóm giải trí này phải trải qua rất nhiều vòng thi tuyển. Đó là điều tất nhiên, vì giới trẻ ai chẳng mơ được trở thành thần tượng. Nhưng với sự thể hiện của các nhóm này, ta có thể cho rằng tiêu chí thi tuyển không hẳn là tài năng ca nhạc hay nhảy múa, mà còn rất nhiều tiêu chí khác, đặc biệt là sự chấp nhận kỷ luật cao độ, tuân thủ nghiêm ngặt sự quản lý của công ty chủ quản. Bởi công ty sẽ phải đầu tư rất nhiều tiền cho việc xây dựng hình ảnh của thần tượng. Và nếu thần tượng "quay xe", có sai sót trong phát biểu với công chúng, hay để lộ những hình ảnh không đẹp, sẽ phá nát mục đích của dự án.
Mối quan hệ này chặt chẽ đến mức thần tượng không thể nào thoát khỏi ảnh hưởng của công ty chủ quản để trở thành một người độc lập kiếm tiền bằng hình ảnh của mình. Đã có rất nhiều bài báo cho biết cuộc sống của các thần tượng là vô cùng khắc nghiệt. Họ không còn một quyền gì riêng của mình, kể cả yêu đương, hẹn hò. Tuổi trẻ của họ sẽ trôi qua cho đến khi không còn ảnh hưởng tới cộng đồng khán giả nữa. Đến khi các thần tượng từng "làm mưa làm gió", điên đảo hàng triệu người hâm mộ này hết thời, sẽ không còn ai nhắc đến họ nữa.
Hàn Quốc đã sử dụng mô hình này rất thành công để tạo dựng sức mạnh mềm của mình ở châu Á. Chúng ta học được gì ở họ? Công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa là công tác có tính quyết định sức mạnh tinh thần của dân tộc. Với sự bùng nổ của Internet và các mạng xã hội, có những thần tượng gây ảnh hưởng lên hàng vạn người như các YouTuber, TikToker... Họ đều có ê kíp riêng, nhưng nhỏ bé và nghiệp dư hơn rất nhiều so với các tổ hợp công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Nhưng đã bao giờ cơ quan truyền thông và các cơ quan quản lý nghĩ đến việc hợp tác, tận dụng, huy động những người này hay chưa?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bàitại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.