Vừa qua, đọc vài biết "Bạn trẻ được gì sau những ngày cày view cho thần tượng?", tôi cảm thấy vui vì nhiều bình luận đều có thái độ tích cực và bao dung thay vì xét nét. Và tôi cũng tự đặt một câu hỏi ngược lại: Chúng ta được gì khi phê phán sở thích của giới trẻ?
Tôi cũng thuộc thế hệ 9x, chẳng phải fan của Sơn Tùng M-TP. Tôi là người hâm mộ các bản nhạc xưa, còn ở nước ngoài, tôi đặc biệt thần tượng The Beatles - thứ âm nhạc theo tôi từ những năm tháng cấp 3. Nếu từng nghe đến cái tên The Beatles, hẳn bạn sẽ biết giới trẻ cách đây 50-60 năm đã cuồng nhiệt đến mức nào! Điều mà những fan K-Pop hay Sơn Tùng ngày nay có lẽ còn thua xa các bậc cha chú ngày ấy. Và rồi những thanh niên Anh, Mỹ đó lớn lên, họ để lại tuổi trẻ cuồng nhiệt cùng thần tượng ở sau lưng và đất nước của họ vẫn là các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Âm nhạc của Beatles, qua thời gian đã chứng minh được vị trí của nó trong lòng người hâm mộ nhiều thế hệ.
>> Nhiều người sai lầm khi đam mê thứ ít người theo đuổi
Năm 2013, tôi đến Nhật Bản thực hiện một ước mơ nho nhỏ là xem Paul McCartney biểu diễn những ca khúc của The Beatles. Đứng giữa những khán giả, có người đáng tuổi bố mẹ, ông bà mình và cả những người trạc tuổi tôi, từ Âu sang Á, cùng hát theo những giai điệu mình yêu tha thiết, tôi đã bật khóc vì xúc động. Chuyến đi sang Nhật để xem Paul McCartney được mua bằng những đồng lương đầu đời của tôi. Đó cũng là lần đầu tôi đi máy bay. Lần đầu tôi ra nước ngoài. Lúc đó tôi không hề có nhiều tiền, cũng chỉ là một sinh viên tốt nghiệp chân ướt chân ráo mới đi làm, nhưng mọi đồng tiền tiết kiệm được tôi đều dồn vào để thực hiện ước mơ nhỏ là được đến xem thần tượng.
Với những người khắt khe, có lẽ họ sẽ cho tôi là bất hiếu vì tại sao lại không biếu những đồng lương đầu đời cho bố mẹ. Nhưng có phải là tôi sẽ mãi mãi không bao giờ báo hiếu bố mẹ? Hay đâu có nghĩa là tôi sẽ ném hết tiền vào thần tượng của mình cả đời? Tôi không giàu có nhưng cũng chẳng thiếu thốn, không thành đạt nhưng cũng có một công việc ổn định, thu nhập tương đối với mái ấm của riêng mình. Thỉnh thoảng trong những phút riêng tư ít ỏi, tôi bồi hồi nhớ lại những giây phút của sáu năm trước, cảm thấy cả một tuổi trẻ đam mê của mình gói gọn trong đêm nhạc ấy. Đó là thứ mà tiền cũng không thể mua được.
>> Không có tiền, khó sống với đam mê
Quay lại với những bạn trẻ hâm mộ Sơn Tùng M-TP. Với một chàng ca sĩ một năm chỉ ra có một ca khúc mới, chuyện "cả thanh xuân cày view cho thần tượng" thay vì đi học, đi làm có lẽ khó có thể xảy ra. Giúp thần tượng của mình lập kỷ lục cũng là một mục đích. Giống như những người có sở thích sưu tầm tem bỏ cả ngàn USD mua một con tem quý chỉ để trưng bày, liệu đó có phải là tiêu tiền vô bổ?
Nếu chỉ biết tối ngày nghĩ đến cơm áo gạo tiền, đến việc được sếp thật ở công ty trả lương, và cảm thấy ức chế khi những người khác sống vô tư làm điều họ thích (ở đây nói đến sở thích lành mạnh), thì phải chăng con người đang nghèo về tâm hồn vì cuộc sống của bạn chẳng có gì ngoài vật chất.
Tôi vẫn gặp các bạn sinh viên làm thêm ở cửa hàng tiện lợi, tiệm trà sữa, rạp chiếu phim thường xuyên. Họ sướng hơn thời đại của tôi nhưng không có nghĩa là họ lười biếng, ỷ lại. Con người không phải một cỗ máy để lúc nào cũng phải chăm chỉ phấn đấu 100% thời gian, sức lực. Huống hồ máy móc làm việc hết công suất cũng khấu hao, rệu rã. Ai cũng có những nhu cầu về tinh thần, về giải trí. Cuộc sống càng no đủ, thì đời sống tinh thần càng phải phong phú. Đừng áp đặt tâm lý đói khát vật chất lên mọi người.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.