275 trường hợp viêm cơ tim được ghi nhận trong số hơn 5 triệu người được tiêm phòng, từ tháng 12/2020 đến tháng 5. Nghiên cứu của ba nhóm chuyên gia do Bộ Y tế chỉ định cho thấy hầu hết những người gặp phải tình trạng này đều nằm viện không quá 4 ngày, các ca nhẹ chiếm 95%.
Nghiên cứu tiết lộ, việc tiêm liều vaccine Pfizer thứ hai có thể liên quan tới bệnh viêm cơ tim ở nam giới từ 16 đến 30 tuổi. Giới khoa học nhận thấy hiện tượng này xảy ra ở nam giới từ 16 đến 19 tuổi nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác.
Đại diện Pfizer cho biết hãng quan sát các nghiên cứu của Isarel song không nhận thấy tỷ lệ viêm cơ tim cao hơn so với thông thường. Pfizer khẳng định không có mối liên hệ nhân quả giữa viêm cơ tim và phản ứng phụ của vaccine.
Một nhóm cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tháng trước đã đề xuất nghiên cứu sâu hơn về mối liên hệ giữa bệnh viêm cơ tim và vaccine mRNA, bao gồm vaccine của Pfizer và Moderna.
Theo hệ thống giám sát phản ứng phụ sau tiêm chủng của CDC Mỹ, số trường hợp viêm cơ tim không cao hơn mức bình thường trong dân số nói chung. Tuy nhiên, nhóm cố vấn cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ y tế cần cho người dân biết đến tác dụng bất lợi tiềm ẩn.
Bộ Y tế Isarel cho biết nhóm chuyên gia sẽ đưa ra khuyến nghị cho Bộ về việc tiêm vaccine cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi. Theo truyền thông Israel, quyết định tiêm chủng cho nhóm tuổi trên sẽ được công bố sớm nhất vào ngày 6/6.
Israel là quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc triển khai tiêm vaccine Covid-19 với khoảng 55% dân số đã được chủng ngừa hai liều vaccine. Với vài ca nhiễm mỗi ngày và cả nước hiện chỉ còn 340 trường hợp mắc Covid-19, nền kinh tế Israel mở cửa hoàn toàn, dù vẫn duy trì một số hạn chế với khách du lịch quốc tế.
Kể từ ngày 1/6, các yêu cầu giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Người dân có thể đến một số nhà hàng và địa điểm nhất định mà không cần xuất trình "thẻ xanh" chứng minh đã được tiêm phòng.
Mai Dung (Theo Reuters)