Các bệnh nhân bị viêm cơ tim hoặc viêm màng cơ tim. Tỷ lệ mắc bệnh nói chung là một trên 100.000 người được tiêm vaccine, ở nam giới 18-30 tuổi là một trên 20.000 người. Ngoài hai người tử vong, số còn lại đã khỏi bệnh.
Giới chức y tế đang điều tra xem liệu các ca viêm tim có liên quan đến vaccine hay không, theo Ủy viên bộ phận phòng chống Covid-19 Nachman Ash. Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy tỷ lệ tử vong ở người mắc và tử vong do viêm cơ tim sau tiêm vaccine không cao hơn thông thường.
Ông Ash nói: "Lợi ích vaccine đem lại quá lớn. Kể cả tìm thấy mối liên hệ giữa một số ca viêm tiêm vaccine, không có lý do gì để ngừng tiêm chủng".
Đại diện Pfizer cho hay: "Chúng tôi không nhận thấy tỷ lệ viêm cơ tim cao hơn so với thông thường. Không có bằng chứng kết luận viêm cơ tim là phản ứng phụ của vaccine Pfizer-BioNTech".
Chiến dịch tiêm chủng của Israel bắt đầu từ ngày 20/12 năm ngoái. Đến nay, 4,98 triệu người Israel, tương đương 55% tổng dân số, đã được tiêm hai mũi Pfizer. Gần 90% nhóm người dễ bị tổn thương, nhất là người từ 50 tuổi trở lên, được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ lây nhiễm liên tục giảm. Cuộc sống gần như trở lại bình thường.
Kể từ khi được phê duyệt, vaccine Pfizer ít vướng tranh cãi về tác dụng phụ hơn so với các đối thủ. Nhiều quốc gia châu Âu từng đình chỉ sử dụng vaccine AstraZeneca do lo ngại đông máu. Đến nay, vaccine này được nối lại sử dụng, song hạn chế về độ tuổi người được tiêm. Nhiều quốc gia vì thế trông chờ vào vaccine Pfizer.
Thục Linh (Theo Bloomberg)