Kể từ khi đại dịch khởi phát, nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 có thể làm tổn hại các cơ quan khác của cơ thể, không chỉ phổi và đường hô hấp.
Hai nghiên cứu riêng biệt, công bố trên Tạp chí Nội khoa JAMA hôm 27/7, cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về các tác động kéo dài của căn bệnh lên tim mạch của những người đã hồi phục. Ngoài ra, virus cũng có thể gây nhiễm trùng tim và giết chết các bệnh nhân nguy kịch.
Tiến sĩ Nieca Goldberg, giám đốc y tế của Chương trình Tim mạch Phụ nữ NYU, cố vấn cấp cao về chiến lược sức khỏe, cho biết: "Sau vài tháng, chúng tôi đã hiểu rằng Covid-19 không phải căn bệnh viêm đường hô hấp thông thường, nó có thể gây nhiễm trùng đa hệ thống".
Khi người bệnh nhiễm nCoV, cơ thể sinh ra viêm cấp tính, tăng đông máu, làm tổn hại đến tim. Quá trình này khả năng bắt nguồn từ tình trạng nhiễm trùng cơ tim hoặc phản ứng viêm, cũng có thể do cục máu đông được hình thành, làm tắc nghẽn động mạch, bà Goldberg giải thích.
Một trong hai nghiên cứu mới đăng tải trên Tạp chí JAMA cho thấy trong số 100 người trưởng thành đã khỏi Covid-19, 78% có biểu hiện tổn thương tim mạch, 60% bị viêm tim.
Để tiến hành phân tích, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu sức khỏe từ các bệnh nhân đã khỏi, 45 đến 53 tuổi, tại Bệnh viện Đại học Frankfurt, Đức. Mức độ nghiêm trọng của họ khác nhau, từ không biểu hiện đến có các triệu chứng trung bình. Công trình kéo dài khoảng giữa tháng 4 đến tháng 6.
Dữ liệu của các bệnh nhân này được so sánh với hồ sơ từ nhóm tình nguyện viên khác, trong đó 50 người khỏe mạnh, 57 người khác gặp một số tình trạng bệnh lý.
Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bệnh nhân mắc Covid-19 đều bị tổn thương tim, bất kể tiền sử bệnh tật, mức độ nghiêm trọng, quá trình nhiễm bệnh hoặc thời gian chẩn đoán ban đầu. Di chứng phổ biến nhất là viêm cơ tim hoặc suy tim.
Tiến sĩ Goldberg cho biết bà không ngạc nhiên với kết quả. Song công trình còn một số điểm hạn chế. Các nhà khoa học cần tìm hiểu sâu hơn, trên quy mô lớn với sự tham gia của nhiều tình nguyện viên, cả những người dưới 18 tuổi hoặc vẫn đang nhiễm virus, thay vì đã hồi phục.
Nghiên cứu còn lại dựa trên 39 kết quả khám nghiệm tử thi tại Đức, thời gian từ 8/4 đến 18/4. Độ tuổi của các bệnh nhân là 78-89. Nhóm chuyên gia đã tìm thấy nCoV trong mô tim của 16 người. Tuy nhiên họ không có dấu hiệu viêm bất thường trước đó.
Các nhà khoa học chưa rõ điều này có ý nghĩa gì. "Số mẫu khám nghiệm tương đối nhỏ và có thể, độ tuổi của bệnh nhân ảnh hưởng đến kết quả", công trình nêu rõ.
Tiến sĩ Goldberg cho rằng cần tìm hiểu thêm xem có thể phát hiện virus trong mô tim của những người trẻ hơn hay không.
"Khám nghiệm tử thi cho thấy điều thú vị không kém. Virus có thể xâm nhập vào tim, nhưng không gây phản ứng viêm cấp tính. Như vậy, quá trình nhiễm trùng không chỉ đi theo một con đường", bà nhận định.
Theo Tiến sĩ Dave Montgomery, chuyên khoa tim mạch, phòng khám PREvent, cả hai nghiên cứu mới đều cho thấy Covid-19 là một mầm bệnh phức tạp.
"Virus nói chung có khả năng di chuyển khá xa khỏi vị trí nhiễm trùng ban đầu, nCoV không phải ngoại lệ. Điều khác biệt là virus này dường như ảnh hưởng đến tim và các tế bào xung quanh. Hai công trình cho thấy nhiều bệnh nhân có thể nhiễm nCoV vào tim mà không biểu hiện rõ ràng. Thực tế, chúng tôi cũng từng điều trị cho những người gặp vấn đề tương tự, chẳng hạn tràn dịch màng ngoài tim", ông nói.
Các tác giả nhấn mạnh mục đích nghiên cứu không phải để tạo thêm hoang mang, lo lắng cho cộng đồng. Họ hy vọng mở lối cho những chuyên gia khác tiến hành tìm hiểu sâu hơn về rủi ro lâu dài của Covid-19.
Thục Linh (Theo CNN)