South China Morning Post hôm qua dẫn các nguồn tin từ Bắc Kinh cho biết Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, sẽ thông qua luật an ninh cho Hong Kong trong phiên họp thường niên đang diễn ra, trong đó cấm toàn bộ hoạt động ly khai, lật đổ, hành vi can thiệp của nước ngoài trong các vấn đề Hong Kong và hoạt động khủng bố ở thành phố này.
Từ vài năm nay, giới chức Trung Quốc liên tục bày tỏ thất vọng và giận dữ trước cái mà họ cho là tình trạng an ninh yếu kém tại đặc khu Hong Kong. Các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi năm ngoái càng làm tăng thêm nỗi thất vọng đó, khiến giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm ngăn chặn những gì họ mô tả là mối đe dọa khủng bố, ly khai, lật đổ và lôi kéo.
Lạc Huệ Ninh, quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tại Hong Kong, hồi tháng 4 cảnh báo đặc khu cần khẩn trương đưa ra luật an ninh. "Nếu tổ kiến đang làm xói mòn pháp quyền không bị xóa sổ, con đập an ninh quốc gia sẽ bị phá hủy và phúc lợi của tất cả người dân Hong Kong sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.
Bắc Kinh khẳng định họ có quyền làm việc này nhưng thực tế mọi chuyện phức tạp hơn nhiều lần.
Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 và có quyền tự viết cũng như điều chỉnh luật của riêng mình theo công thức "Một quốc gia, hai chế độ". Điều 23 Luật Cơ bản của Hong Kong nêu rõ đặc khu "sẽ tự ban hành luật" để giải quyết các vấn đề an ninh.
Nhưng Luật Cơ bản đồng thời cũng chừa lối để chính quyền trung ương bổ sung các điều luật nhằm kiểm soát đặc khu với một số điều kiện nhất định. Quyền lực này nằm trong tay Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp đang họp tại Bắc Kinh.
Theo bình luận viên Joyu Wang từ Wall Street Journal, Trung Quốc đã bổ nhiệm một nhóm quan chức mới chịu trách nhiệm về Hong Kong. Họ có nhiệm vụ chống lại những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ khác giống như các cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ tại đặc khu hồi năm ngoái.
Phong trào biểu tình tạm lắng khi Covid-19 tấn công đặc khu nhưng bất bình với chính quyền vẫn tăng cao và giới chuyên gia dự đoán phe đối lập Hong Kong sẽ sớm nối lại biểu tình, có thể vào đầu tháng 6 này.
Trong một thông điệp gửi tới các đại sứ nước ngoài, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc Hong Kong không thể thông qua luật an ninh sẽ tạo ra lỗ hổng an ninh quốc gia. Từ lỗ hổng này, các thế lực đối lập có thể "thông đồng với những thế lực từ bên ngoài" chống phá chính quyền trung ương Trung Quốc.
Ngoài ra, cuộc bầu cử hội đồng lập pháp Hong Kong vào mùa thu này còn mang tới cho phe ủng hộ dân chủ cơ hội giành nhiều ghế hơn trong chính quyền, đủ để ngăn cản nỗ lực thông qua dự luật an ninh của chính quyền đặc khu. Đây chính là một trong những lý do khiến chính quyền trung ương Trung Quốc đặt vấn đề về luật an ninh Hong Kong ở thời điểm hiện nay.
Giới phê bình cho rằng việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong sẽ là hành động nghiêm trọng nhất trong chuỗi hành động nhằm làm xói mòn mức độ tự trị của đặc khu những năm gần đây.
"Tôi cảm thấy bất bình", Dennis Kwok, một nhà lập pháp Hong Kong, nói. "Đây về cơ bản là dấu chấm hết của hệ thống 'Một quốc gia, hai chế độ'".
Luật an ninh mới gây lo ngại với nhiều người dân Hong Kong bởi nó dự kiến hình sự hóa những bình luận và hành động mà nhà chức trách coi là "xúi giục nổi loạn", qua đó đưa luật pháp Hong Kong tiệm cận hơn với luật Trung Quốc đại lục.
Bắc Kinh đã sử dụng những luật tương tự để kiềm chế các nhà hoạt động và thúc đẩy những mục tiêu chính trị. Một người bán sách ở Hong Kong từng bán những tựa sách bị cấm ở Trung Quốc đại lục đã phải chịu mức án 10 năm tù với cáo buộc gián điệp. Trung Quốc năm ngoái cũng bắt hai công dân Canada, một người là nhà nghiên cứu và một người là nhà cựu ngoại giao, với cáo buộc gián điệp. Động thái này được cho là nhằm trả đũa vụ Canada bắt giám đốc điều hành tập đoàn viễn thông Huawei Mạnh Vãn Chu.
Hàng triệu người năm ngoái biểu tình ở Hong Kong do lo ngại dự luật dẫn độ, hiện đã bị hủy, sẽ khiến họ chịu sự giám sát của hệ thống pháp lý Trung Quốc đại lục.
Theo Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong được quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ phải đưa ra đánh giá hàng năm về mức độ độc lập của Hong Kong dựa trên cơ chế "Một quốc gia, hai chế độ".
Các quan chức Mỹ đã trì hoãn công bố đánh giá này trong những tuần gần đây để xem Bắc Kinh dự định thiết lập luật an ninh ở Hong Kong như thế nào. Mọi động thái nhằm ép buộc thông qua luật sẽ bị coi là hành vi vi phạm quyền tự trị của Hong Kong và sẽ tác động đáng kể đến bản đánh giá, một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.
Hai thượng nghị sĩ Mỹ ngày 21/5 tuyên bố họ sẽ đề xuất một dự luật trừng phạt các quan chức và thực thể Trung Quốc thực thi luật an ninh ở Hong Kong và xử phạt cả những ngân hàng làm ăn với họ.
Hạ nghị sĩ Mỹ Jim McGovern, thành viên đảng Dân chủ bang Massachusetts, nhấn mạnh việc thông qua luật an ninh Hong Kong "là đòn giáng trực tiếp vào trái tim" của cơ chế "Một quốc gia, hai chế độ".
"Bắc Kinh nên cân nhắc lại về hành động gây leo thang căng thẳng không cần thiết này", ông viết trên Twitter.
Vũ Hoàng (Theo Reuters, WSJ)