Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang gặp khó khăn về chính trị trước cuộc bầu cử vào năm tới, khi nền kinh tế lao dốc, ngân hàng trung ương hết ngoại hối và lạm phát lên mức gần 80%.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có những khó khăn riêng, khi chiến dịch ở Ukraine kéo dài và các lệnh trừng phạt tác động không nhỏ tới ngành công nghiệp, cũng như cả nền kinh tế.
Những thách thức đã đưa lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau hơn. Họ đã gặp nhau hai lần trong ba tuần qua, trong đó lần gần nhất là cuối tuần trước ở Sochi. Ông Erdogan cho biết họ hy vọng có thể khắc phục những khó khăn riêng bằng cách mở rộng quan hệ đối tác và mong rằng hợp tác kinh tế hai nước có thể đạt ngưỡng 100 tỷ USD.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên NATO nhưng không thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã từ chối áp các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga. Ankara cũng tìm cách để làm việc với các ngân hàng Nga bị trừng phạt và chấp nhận thanh toán qua thẻ tín dụng của Nga. Dòng khí đốt của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ qua đường ống TurkStream không bị gián đoạn.
Đối với ông Erdogan, những lợi ích mà ông quan tâm là dòng tiền mặt cho ngân hàng trung ương, năng lượng giá rẻ, vị thế trên toàn cầu, thị trường xuất khẩu, khách du lịch Nga và đặc biệt là sự ủng hộ của Moskva đối với nỗ lực chống lại lực lượng người Kurd ở Syria, nhóm mà Ankara xem là tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng rất phức tạp. Khi gặp nhau ở Tehran tháng trước, ông Erdogan đã để ông Putin phải đứng một mình trước ống kính máy quay gần một phút. Động thái này được cho là lời nhắc nhở tinh tế về sự thay đổi cán cân quyền lực giữa họ. Trước đây, ông Putin cũng từng khiến ông Erdogan phải chờ đợi như vậy.
Càng ngày, mối quan hệ giữa hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ càng trở thành mối quan hệ cá nhân giữa hai lãnh đạo. Các cuộc thảo luận của ông Putin và ông Erdogan cũng được tổ chức kín đáo.
"Hai lãnh đạo gặp nhau và đàm phán. Nhưng chỉ có hai người ngồi trong cung điện cùng với một vài người khác, ít người biết về nội dung cuộc gặp", Ilhan Uzgel, nhà khoa học chính trị từng dạy về quan hệ quốc tế tại Đại học Ankara, cho hay.
Tổng thống Erdogan đã mua các tên lửa phòng không tinh vi của Nga và từng phản đối kết nạp Thụy Điển, Phần Lan vào NATO. Dù hiện tại các bên đã đạt thỏa thuận, nhiều người cho rằng sẽ có nhiều kịch tính xảy ra trước khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu có phê duyệt hai nước vào liên minh trong mùa thu này hay không.
Việc cản trở có thể làm hài lòng ông Putin, người từ lâu cảnh báo phản đối các quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.
Washington đang thận trọng theo dõi tình hình, đồng thời kêu gọi "Thổ Nhĩ Kỳ không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho tài sản hoặc giao dịch bất hợp pháp" của Nga, cũng như giảm phụ thuộc năng lượng vào Moskva.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản đối chiến dịch của Nga ở Ukraine, chặn tàu chiến Nga xâm nhập Biển Đen và bán vũ khí cho Kiev, trong đó có máy bay không người lái hiện đại có thể tấn công quân Nga.
Đối với phương Tây, khả năng làm việc với Nga của ông Erdogan là điều đáng chú ý. Thổ Nhĩ Kỳ giữ quan hệ chặt chẽ với Moskva và đang đóng vai trò trung gian hòa giải chính giữa Moskva và Kiev về vấn đề ngũ cốc hoặc các cuộc đàm phán hòa bình. Ông Erdogan cùng trợ lý đã nói chuyện với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vài lần mỗi tuần.
"Ông Erdogan đang để ngỏ tất cả các cửa, đó là điều mà các quốc gia có xu hướng lựa chọn khi họ chỉ nghĩ đến lợi ích riêng. Đó không phải là điều mà các đồng minh làm. Ông ấy đã tìm ra cách để chơi trò chơi của mình, nhưng cái giá phải trả là có thể làm suy yếu liên minh vốn quan trọng đối với an ninh của chính Thổ Nhĩ Kỳ", Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói.
Một đồng minh NATO có kênh trao đổi tốt với ông Putin là điều tốt đối với liên minh, theo Daalder, nhưng "ông ấy phải nói những điều đúng đắn, cố gắng giải quyết các vấn đề phù hợp với mục tiêu của liên minh và không làm suy yếu nó".
Giới phân tích Thổ Nhĩ Kỳ chỉ ra rằng mục tiêu chính của ông Erdogan là nỗ lực tái tranh cử. Tổng thống Erdogan đang tìm kiếm sự giúp đỡ cả về kinh tế và nỗ lực chống lực lượng người Kurd ở Syria.
"Mục tiêu của chính phủ Erdogan không phải là giải vây cho ông Putin mà là tạo điều kiện phù hợp cho chính mình trên con đường bầu cử", giáo sư Uzgel nói. "Ông Erdogan có ba nỗi lo. Một là thuyết phục phương Tây rằng ông có thể làm việc với ông Putin. Hai là hy vọng nguồn tiền từ Nga sẽ tạm thời giúp giải quyết vấn đề tỷ giá tiền tệ. Ba là mong Nga đứng cùng phe trong chiến dịch mà ông muốn tiến hành ở Syria".
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận về cuộc bầu cử tháng 6 năm sau không lạc quan với ông Erdogan. Những khó khăn chính của ông bắt nguồn từ nền kinh tế suy thoái và phẫn nộ của người dân với hàng triệu người tị nạn mà Ankara tiếp nhận.
"Ông Putin có đòn bẩy rất lớn với ông Erdogan trong cả hai vấn đề trên", Asli Aydintasbas, thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu, nói.
Bà Aydintasbas cho biết Nga có nguồn tiền, năng lượng giá rẻ, việc làm, trong khi chỉ cần một vài cuộc ném bom của Moskva ở miền bắc Syria cũng có thể khiến thêm hơn hai triệu người tị nạn vượt biên sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Các mối đe dọa an ninh khu vực, trong đó có vấn đề thỏa thuận hòa bình ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh, nơi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan còn Nga đứng về phía Armenia, có nghĩa bất kỳ chính phủ nào ở Ankara đều mong có quan hệ cân bằng với Nga, theo Sinan Ulgen, giám đốc viện nghiên cứu EDAM ở Thổ Nhĩ Kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ cần quan hệ đối tác ngoại giao với Nga để xử lý những vấn đề trong khu vực lân cận, như Syria hay Nagorno-Karabakh. Do đó, họ không thể cô lập Nga", ông Ulgen nói.
Khả năng đưa các ngoại trưởng của Nga và Ukraine cùng ngồi vào bàn đàm phán, cũng như làm trung gian cho thỏa thuận giải phóng ngũ cốc đã cho thấy cách tiếp cận cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, theo ông Ulgen. "Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Ukraine nhưng không chống Nga", chuyên gia này cho hay.
Ông thêm rằng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ "nhận thức được ranh giới mỏng manh giữa việc không thực hiện lệnh trừng phạt và đóng vai trò là quốc gia giúp Nga né trừng phạt".
Mối quan hệ giữa ông Putin và ông Erdogan là một mối quan hệ kỳ lạ, trong đó cả hai "công khai hợp tác nhưng cũng bất đồng về Syria và Libya". Thổ Nhĩ Kỳ cần sự chấp thuận của Nga để truy lùng người Kurd ở Syria, nơi Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, cũng như duy trì lệnh ngừng bắn mong manh giữa Armenia và Azerbaijan.
"Không ai ở Ankara thấy vui khi Nga kiểm soát các vùng ở sườn bắc Thổ Nhĩ Kỳ trên Biển Đen ở một phần sườn nam giữa nước này với Syria. Nhưng họ hiểu phải đàm phán với Nga và thiết lập một thỏa thuận. Đó là giải pháp duy nhất để tránh xung đột", bà Aydintasbas nói.
Trở về sau cuộc gặp ông Putin ở Sochi cuối tuần trước, Tổng thống Erdogan nói lãnh đạo Nga có "thái độ công bằng" với Thổ Nhĩ Kỳ. "Những hiểu biết chung mà chúng tôi đã xây dựng trên nền tảng tin tưởng và tôn trọng đã giúp đảm bảo quan hệ của chúng tôi", ông nói.
Thanh Tâm (Theo NY Times)