Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/8 gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại Sochi. Đây là cuộc gặp thứ hai của lãnh đạo hai nước chỉ trong hơn hai tuần qua.
Ông Putin cảm ơn người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về vai trò trung gian của Ankara trong thỏa thuận giải phóng ngũ cốc Ukraine, cũng như tạo điều kiện xuất khẩu các chuyến hàng thực phẩm và phân bón của Nga. Lãnh đạo Nga hy vọng hai bên có thể thắt chặt mối quan hệ kinh tế và thương mại sau cuộc đối thoại này, theo tuyên bố chung sau cuộc gặp.
Nhưng tuyên bố chung không đề cập đến gói đề xuất về kinh tế và thương mại song phương được Tổng thống Putin nêu ra trước đó. Dự thảo gói đề xuất được tình báo Ukraine thu thập được và cung cấp cho Washington Post cho thấy ông Putin hy vọng Ankara sẽ đồng ý với các giải pháp giúp Moskva né tránh các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng, năng lượng và công nghiệp Nga.
Theo dự thảo tài liệu, Nga cũng kỳ vọng được Tổng thổng Erdogan cho phép mua cổ phần trong các nhà máy lọc dầu, kho lưu trữ và bể chứa. Đây là động thái mà các nhà kinh tế cho rằng có thể giúp che giấu nguồn gốc dầu xuất khẩu từ Nga khi Liên minh châu Âu (EU) thực thi lệnh cấm hoàn toàn nguồn năng lượng này vào năm tới.
Tuy nhiên, tuyên bố chung sau cuộc gặp không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy ông Erdogan ủng hộ các đề xuất này. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/8 không trả lời câu hỏi liệu thỏa thuận như vậy có được hai bên ký kết hay không.
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này vẫn cam kết tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine. Ông lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh NATO duy nhất mà Ukraine và Nga đều đối thoại và tin tưởng. "Đó là lý do không quốc gia nào khác có thể tổ chức cuộc họp giữa ngoại trưởng hoặc phái đoàn hai nước", ông nói.
Một quan chức phương Tây giấu tên cho hay họ lo ngại Moskva đang tìm cách né tránh các lệnh trừng phạt và giảm thiệt hại kinh tế ngày càng tăng do các biện pháp cấm vận gây ra. Các quan chức Nga đang nỗ lực tìm kiếm những đối tác sẵn sàng làm ăn với họ, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một bên nhiều tiềm năng.
Khi Nga dần bị tách khỏi nền kinh tế toàn cầu, những động thái này được coi là dấu hiệu cho thấy Moskva ngày càng lo lắng, theo các nhà kinh tế phương Tây. Ông Putin tuyên bố các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã thất bại, khi Moskva vẫn có nguồn thu ổn định từ bán năng lượng và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nền kinh tế Nga chỉ giảm khoảng 6% trong năm nay.
Nhưng các nhà kinh tế cho biết tình hình thực sự tệ hơn nhiều. Báo cáo được các chuyên gia kinh tế và kinh doanh tại Đại học Yale, một trong những đại học lâu đời nhất ở Mỹ, công bố cuối tháng 7 cho thấy nền kinh tế Nga bị thiệt hại nặng bởi lệnh trừng phạt phương Tây và các doanh nghiệp quốc tế rút khỏi thị trường.
"Tình hình sẽ đen tối hơn vào năm tới. Không ai biết mọi thứ sẽ như thế nào khi lệnh cấm dầu của châu Âu bắt đầu. Chúng ta đang ở trong tình huống chưa từng thấy", Sergei Guriev, giáo sư tại Sciences Po của Pháp và cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, nói.
Số liệu mà cơ quan thống kê Nga Rosstat công bố tuần trước cho thấy một số lĩnh vực kinh tế của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề. Sản xuất ôtô, ngành công nghiệp phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài, đã giảm 89% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất máy tính và chất bán dẫn giảm 40%, trong khi máy giặt là gần 59%.
"Rõ ràng mọi thứ ngày càng khó khăn hơn", Maxim Mironov, giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh IE ở Madrid, nói. Một trong những nhà máy sản xuất ôtô chính của AvtoVA, thuộc sở hữu nhà nước Nga, thông báo sẽ cắt giảm nhân công.
Các lĩnh vực công nghệ cao khác như sản xuất dược phẩm cũng lao đao. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nga tháng trước chỉ ra 40% các nhà sản xuất dược phẩm không thể tìm được bên cung cấp nguyên liệu và thiết bị thay thế.
"Nga đã tìm cách sản xuất dược phẩm dựa vào nguồn lực trong nước, nhưng rõ ràng không thành công. Đôi khi dữ liệu chung không thể cho thấy hết các vấn đề", Elina Ribakova, phó kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế ở Washington, nói, thêm rằng các nhà sản xuất nhôm cũng đang đối mặt nhiều khó khăn về nguồn cung hóa chất quan trọng.
Sergei Aleksashenko, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết Moskva bắt buộc phải tìm các kênh tài chính thay thế cho ngân hàng của họ.
"Đó là vấn đề về tiền. Nếu bạn trả nhiều, một số ngân hàng sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro", ông nói, chỉ ra Iran từng vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây nhờ sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Nga từng hy vọng có thể vượt qua các lệnh trừng phạt hiện tại bằng cách tạo ra hệ thống thanh toán thay thế thông qua ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc đã chùn bước trước nguy cơ bị phương Tây trừng phạt. Dù đang gia tăng nhập khẩu dầu và khí đốt Nga, Bắc Kinh không thể thay thế tất cả nhu cầu thiết bị của Moskva.
Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển và Tài chính Xanh ở Đại học Phúc Đán Thượng Hải kết luận những lo ngại về lệnh trừng phạt đã khiến Trung Quốc từ bỏ các khoản đầu tư mới vào sáng kiến Vành đai và Con đường ở Nga trong năm nay.
Giới chức phương Tây cho rằng Trung Quốc không phải giải pháp thích hợp để Nga giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt, buộc Điện Kremlin phải tìm kiếm đối tác khác.
Trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga trước đây tỏ ra có vị thế áp đảo hơn và từng bày tỏ không hài lòng bằng cách cắt dòng khách du lịch hoặc cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ nước này. Nhưng kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu, Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng tầm vị thế, trở thành trung gian hòa giải giữa Moskva và Kiev. Tháng trước, Ankara cùng với Liên Hợp Quốc làm trung gian cho cuộc đàm phán thỏa thuận ngũ cốc ở Ukraine.
Tổng thống Erdogan muốn ông Putin ủng hộ chiến dịch quân sự Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch tiến hành ở ở miền bắc Syria để chống lại dân quân người Kurd, nhóm bị Ankara xem là khủng bố. Nga đã duy trì hiện diện quân sự ở Syria như một phần cam kết ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad.
Theo hai doanh nhân Nga, các chuỗi cung ứng bán lẻ đã được thiết lập lại ở Nga với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ. Chủ một chuỗi bán lẻ cho biết các cửa hàng của ông đã thiết lập lại nguồn cung với các trung tâm mới ở Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Trung Quốc và Azerbaijan. Dữ liệu thương mại gần đây từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ Turkstat cho thấy xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga tăng khoảng 400 triệu USD từ tháng 2 tới tháng 6.
Dù vậy, các chuyên gia về lệnh trừng phạt cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ khó trở thành đầu mối cung cấp các thiết bị cần thiết cho Nga mà không đối mặt nguy cơ bị áp lệnh trừng phạt. Họ nhận định bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với Nga đều có nguy cơ ảnh hưởng tới kinh tế và tài chính của nước này, đồng thời khiến việc kinh doanh với phần còn lại của thế giới trở nên khó khăn hơn.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)