Tổng thống Vladimir Putin hôm 19/7 lên đường tới Tehran, thực hiện chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Chuyến thăm của ông được nhìn nhận như một nỗ lực nhằm xích lại gần hơn với Iran, tạo dựng liên minh đối trọng với phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
Ông chủ Điện Kremlin đã gặp lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei, một trong những lãnh đạo quốc tế ủng hộ mạnh mẽ nhất chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
"Xung đột luôn mang đến bạo lực và khó khăn. Cộng hòa Hồi giáo Iran không vui chút nào khi người dân bị cuốn vào xung đột", ông Khamenei nói với ông Putin tại cuộc gặp. "Nhưng trong trường hợp của Ukraine, nếu các ngài không chủ động, phía bên kia sẽ làm như vậy và khơi mào cuộc chiến".
Tổng thống Putin còn dự hội nghị thượng đỉnh ba bên cùng Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tập trung vào tìm giải pháp cho vấn đề Syria.
Nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Putin ở Iran cho thấy quyết tâm mạnh mẽ nhằm đẩy lùi nỗ lực cô lập Nga từ phương Tây, giới quan sát đánh giá. Iran lâu nay vẫn là một đối thủ "khó chơi" với Mỹ, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ bị coi là nhân tố "bất ổn" của NATO.
Theo một số chuyên gia, tuyên bố công khai ủng hộ chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine của Iran mạnh mẽ hơn nhiều so với lập trường của Trung Quốc, một đồng minh quan trọng khác của Moskva.
Các cuộc gặp ở Tehran còn là một tín hiệu cho thế giới thấy rằng với việc châu Âu và Mỹ đang tấn công Nga bằng các lệnh trừng phạt tương tự những lệnh cấm vận đã bóp nghẹt nền kinh tế Iran suốt nhiều năm qua, quan hệ lâu nay giữa Moskva và Tehran có thể trở thành hợp tác thực chất.
"Nga và Iran trước đây chưa thực sự tin tưởng nhau, nhưng bây giờ, họ cần nhau hơn bao giờ hết", Ali Vaez, giám đốc phụ trách Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Brussels, Bỉ, nhận định. "Đây không còn là quan hệ đối tác được lựa chọn, mà là một liên minh cần thiết cho cả đôi bên".
Trong nhiều năm, Nga đã cẩn trọng không xích lại gần Iran, ngay cả vào thời điểm hai nước cùng ở về một phía đối địch với Mỹ và có những mối hợp tác quân sự đáng chú ý sau khi Nga can dự vào chiến sự ở Syria. Những nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm xây dựng quan hệ với Israel và các nước Arab đối địch với Iran đã ngăn cản một liên minh Moskva - Tehran hình thành.
Nhưng chiến dịch quân sự ở Ukraine đã thay đổi tính toán của Nga.
Khi các cánh cửa tiếp cận thị trường phương Tây dần khép lại, Nga tìm đến Iran như một đối tác kinh tế, đồng thời cũng là một "chuyên gia" chống chọi với các biện pháp trừng phạt.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã ký một thỏa thuận không ràng buộc trị giá 40 tỷ USD nhằm giúp Iran phát triển các mỏ dầu khí. Theo giới chức Mỹ, Nga cũng đang xúc tiến mua các máy bay không người lái vũ trang của Iran để sử dụng ở chiến trường Ukraine, dù vấn đề này không được đề cập công khai trong các cuộc gặp ngày 19/7.
Trước chuyến thăm của Tổng thống Putin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, đã phát biểu trên truyền hình rằng Iran và Nga có thể sớm ký một hiệp ước chiến lược nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính. Ông cho rằng một kỷ nguyên mới của tình hữu nghị giữa Moskva và Tehran đang được mở ra.
Nga và Iran đã bắt đầu xích lại gần nhau từ trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Hồi tháng một, Tổng thống Iran Raisi đến thăm Moskva. Vào tháng trước, ông và Tổng thống Putin gặp lại nhau tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực ở Turkmenistan, nơi lãnh đạo Nga tìm kiếm ủng hộ từ những quốc gia ven biển Caspi.
Hôm 19/7, khi hai lãnh đạo gặp mặt lần thứ ba trong năm nay, Tổng thống Putin nói rằng mối quan hệ giữa hai nước "đang phát triển tốt" về cả kinh tế, an ninh cũng như các vấn đề khu vực khác.
Tổng thống Nga nhấn mạnh ông và người đồng cấp Iran đã thống nhất đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và vận tải, đồng thời sẽ tăng cường sử dụng đồng tiền của hai nước trong giao dịch thương mại, thay vì dùng đồng USD.
Tổng thống Raisi cũng phát đi những thông điệp tích cực tương tự. "Mọi thứ đang phát triển rất nhanh chóng, trong đó có cả mối quan hệ song phương của chúng ta", ông nói với Tổng thống Putin, theo thông cáo từ Điện Kremlin.
Trong khi đó, lãnh tụ tối cao Iran Khamenei khẳng định "mối hợp tác lâu dài giữa Iran và Nga sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cả hai quốc gia". Ông cũng kêu gọi đẩy nhanh việc thực hiện các hợp đồng đang chờ xử lý giữa đôi bên, đặc biệt là trong lĩnh vực khí đốt và dầu mỏ.
Trong tuyên bố do văn phòng của ông đưa ra, lãnh tụ tối cao Iran gọi liên minh NATO là một "thực thể nguy hiểm" và lặp lại tuyên bố của Tổng thống Putin rằng phương Tây đã "khơi mào" xung đột với Nga nhằm giúp Ukraine chiếm lại bán đảo Crimea.
Xung đột Ukraine đã buộc các nước phải thay đổi cái nhìn về liên minh của họ. Tuần trước, trong bối cảnh giá dầu tăng cao tác động không nhỏ tới kinh tế, chính trị trong nước, Tổng thống Mỹ Joe Biden, người từng cam kết sẽ khiến Arab Saudi phải trả giá sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi, đã đến Jeddah gặp Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman với hy vọng có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Còn quá sớm để biết liệu Iran có thể thực sự giúp Nga tránh tổn thất nhiều hơn trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây hoặc liệu thế cạnh tranh trên thị trường năng lượng toàn cầu cùng những lợi ích chính trị khác nhau có thể làm chệch hướng quan hệ đối tác của họ hay không.
Theo một số nhà phân tích, khi Nga đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới cho dầu của mình, họ có thể trở thành đối thủ cạnh tranh thị phần với hai đồng minh Iran và Venezuela, gây ra một cuộc chiến giảm giá có thể làm tổn hại cả ba.
Ngay cả khi chiến sự ở Ukraine là chủ đề trọng tâm trong các cuộc họp ngày 19/7 ở Iran, một xung đột khác cũng được quan tâm: Cuộc nội chiến Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ triển khai các chiến dịch tấn công mới ở hai thành phố phía bắc nước này nhằm chống lại dân quân người Kurd, lực lượng mà Ankara coi là khủng bố.
Ông Erdogan mô tả kế hoạch này là cách để đảm bảo an toàn cho biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khỏi các tay súng người Kurd và tạo vùng đệm ở biên giới với Syria.
Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei hôm qua đã cảnh báo ông Erdogan không tiến hành chiến dịch quân sự này. Trong một cuộc họp riêng, ông nói rằng bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào ở miền bắc Syria sẽ đều gây bất lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và toàn bộ khu vực.
Sau hơn một thập kỷ nội chiến ở Syria, Iran và Nga là những đồng minh gắn bó nhất với Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại ủng hộ các nhóm nổi dậy chống lại chính quyền Assad và đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria.
"Chắc chắn chúng ta phải đối đầu với chủ nghĩa khủng bố, nhưng một chiến dịch tấn công quân sự vào Syria sẽ chỉ mang lại lợi ích cho những kẻ khủng bố", tài khoản Twitter của ông Khamenei ngày 19/7 viết, đăng kèm bức ảnh lãnh tụ tối cao Iran chụp cùng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan không chịu nhượng bộ, ít nhất là trong các tuyên bố công khai. "Cuộc chiến của chúng tôi chống lại các tổ chức khủng bố sẽ tiếp tục ở khắp mọi nơi," ông nói sau cuộc họp. "Chúng tôi hy vọng Nga và Iran sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đấu tranh này".
Tổng thống Putin cho biết ba nước đã nhất trí về một tuyên bố chung nhằm cùng nhau "bình thường hóa tình hình" ở Syria. Lãnh đạo nước Nga nhấn mạnh điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ mọi hành động can dự của phương Tây vào Syria và bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad.
Bất chấp những khác biệt trong quan điểm về vấn đề Syria, ba lãnh đạo vẫn chú trọng thể hiện mối quan hệ thân tình, gần gũi.
Ông Putin, người đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa Covid-19, lần này trò chuyện rất gần với ông Erdogan và Raisi. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn bắt tay lãnh đạo Nga, sau khi để ông Putin phải chờ mình gần một phút với vẻ mặt không mấy thoải mái.
Sau hội nghị thượng đỉnh, ba lãnh đạo đứng cạnh nhau trên một bục trải đầy hoa trắng để đọc các tuyên bố trước báo giới. Tổng thống Putin nói rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên tiếp theo giữa họ sẽ diễn ra ở Nga và ông đã mời "những người bạn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ" đến thăm Nga.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)