Ann Trason, nữ runner sinh năm 1960, được xem là huyền thoại trong giới ultra marathon và là minh chứng nổi bật cho những gì phụ nữ có thể làm được trong môn thể thao khắc nghiệt. Thi đấu từ năm 1980, Trason lập 20 kỷ lục thế giới thời điểm đó, nổi bật là thành tích chạy 100 dặm (khoảng 161 km) trong 14 tiếng 29 phút hay chạy 143,09 dặm trong 24 tiếng liên tục, hơn cả thành tích của những nam runner. Thời điểm đó, khả năng của Trason vượt ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.
Về sau, những nữ VĐV có thành tích ấn tượng như Ann Trason ngày một nhiều hơn khi các đường chạy siêu dài dần dần thu hút phái đẹp. Kỷ lục vì thế cũng liên tục bị phá. Việt Nam cũng có nhiều tên tuổi nổi bật ở đường đua này như Thanh Vũ hay Hà Thị Hậu. Thanh Vũ là nữ runner đầu tiên chạy qua bốn sa mạc trong một năm gồm Namib (ở duyên hải Namibia), Gobi (Trung Quốc), Atacama (Chile) và xứ sở băng giá Nam Cực. Cô từng hoàn thành giải chạy 522 km qua sa mạc ở Australia, 230 km trên vòng Bắc Cực. Hà Thị Hậu nổi lên là chân chạy trail số một hiện nay, khi nhiều lần vô địch các giải trail cự ly dài, đôi lúc nhanh hơn cả các đối thủ nam.
Theo các chuyên gia, ultra marathon hay trail là những môn thể thao có thể phát huy hết khả năng về thể chất của nữ giới. Nghiên cứu của RunRepeat phối hợp với Hiệp hội VĐV Ultramarathon quốc tế (IAU) thậm chí còn cho thấy với cự ly đủ dài, nữ giới sẽ nhanh hơn nam. Nghiên cứu này có quy mô lớn khi thu thập dữ liệu từ hơn 15.000 giải đấu có cự ly dài hơn 42km. Kết quả cho thấy với cự ly từ 195km trở lên, nữ giới có tốc độ trung bình ở mức 17 phút 19 giây mỗi dặm, nhanh hơn so 17 phút 25 giây mỗi dặm của nam.
David Rowlands - nhà khoa học từ Đại học Massey cho biết khi khoảng cách càng xa, chênh lệch thời gian của nam và nữ sẽ càng thu hẹp. Mốc 195km là điểm mà nữ giới có thể vượt những VĐV nam. Lý giải điều này, ông cho rằng có nhiều nguyên nhân.
Đầu tiên là hoóc môn và cơ bắp. Nam giới có testosterone giúp cơ bắp to, khỏe. Cơ bắp đóng vai trò quan trọng trong việc trữ glycogen - nguồn năng lượng chính trong việc thi đấu. Glycogen là chất xúc tác giúp nam giới nhanh hơn trong các cự ly ngắn nhưng lại sớm cạn kiệt. VĐV nữ thì ngược lại, nhờ estrogen, cơ thể đốt chất béo nhanh hơn.
Khi cạn glycogen, chất béo dự trữ chính là năng lượng để duy trì sự bền bỉ. Cơ thể nữ lại có nhiều chất béo do phải mang thai và cho con bú. Nhờ đó, nguồn năng lượng của VĐV nữ về lâu dài được đảm bảo hơn. Estrogen cũng có thể hỗ trợ cải thiện thành tích vì nó bảo vệ màng cơ, giúp cơ hoạt động ổn định hơn và không bị quá tải trong nhiều giờ chạy.
Phụ nữ có một lợi thế khác khi chạy địa hình và ultra marathon là dây chằng và cơ bắp linh hoạt hơn nam giới. Do tính đàn hồi cao hơn, VĐV nữ có nguy cơ chấn thương thấp hơn nam giới. Thể hình nhỏ, nhẹ cũng giúp hệ thống cơ xương ít chịu áp lực hơn khi chạy.
Theo một nghiên cứu của Đại học Thể thao Đức Cologne, VĐV nữ chạy theo trực giác với nhịp độ nhẹ nhàng chứ không quá sức, cố gắng thật nhanh như nam. Họ thường lắng nghe cơ thể và chạy với tâm lý thoải mái hơn. Các nghiên cứu cho thấy phái đẹp duy trì được sự ổn định, nhất quán trong suốt hành trình, không tăng, giảm tốc độ đột ngột. Điều này giúp họ kiểm soát tốt đường đua, hạn chế nguy cơ chấn thương.
Hoài Phương (Theo Insider, Marathon Hanbook)