17h, Chủ nhật ngày 14/8, Vũ Phương Thanh (Thanh Vũ) đứng cùng ba nữ và 19 nam VĐV khác tại một bể bơi ngoài trời ở vùng Buchs (Thụy Sĩ) để chờ hiệu lệnh xuất phát. Thử thách đầu tiên của cô là bơi 38km bên trong chiếc hồ chỉ có chiều dài 50 m. Giới hạn thời gian là 27 giờ. Điều này có nghĩa, muốn hoàn thành cự ly, VĐV phải bơi xuyên đêm.
Hiệu lệnh vang lên, Thanh Vũ lao mình xuống nước. Chiếc hồ bơi điều hòa được giữ cố định ở 23 độ C. Cô nghĩ bản thân từng bơi trong nước chỉ 8 độ C ở miền Bắc Việt Nam nên bơi hồ có lẽ là thử thách dễ dàng. Nhưng nữ runner đã nhầm. Bơi liên tục vào ban đêm là điều cô chưa thử qua và khiến thân nhiệt hạ nhanh. Thời điểm trước lúc mặt trời mọc, nhiệt độ ngoài trời rất lạnh khiến nữ VĐV 32 tuổi buồn ngủ ngay cả khi đang vận động. "Tôi có lúc đã bơi trong vô thức và chỉ choàng tỉnh khi hết hơi", Thanh Vũ kể.
Khi đó, cô lên bờ, dùng máy sấy làm ấm cơ thể rồi tranh thủ chợp mắt 20 phút, cũng không quên nạp thêm năng lượng. Ban ngày, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ hơn. Cô bơi một mạch đến 16h30 thì hoàn thành. Ban tổ chức thông báo Thanh mất 22 giờ 14 phút 17 giây.
Chân chạy huyền thoại Shanda Hill hoàn thành đường bơi trước đại diện Việt Nam khá xa nhưng bất ngờ rút lui. Nồng độ clo trong hồ khiến Hill gặp vấn đề về phổi, phải đi đến quyết định bỏ dở dù đặt mục tiêu săn kỷ lục thế giới. Số lượng VĐV nữ đã ít, nay còn mất đi một cái tên dày dặn kinh nghiệm. Gương mặt Thanh Vũ biến sắc khi nghe tin, báo hiệu một chặng đường còn nhiều gian nan phía trước. Triathlete này sau đó dành 1 giờ 51 phút 24 giây để nghỉ ngơi, ngủ ngắn và sửa soạn trang phục trước khi vào phần thi đạp xe.
"Tôi yếu phần đạp xe nên rất lo lắng. Theo kế hoạch, tôi sẽ nghỉ khoảng ba đến bốn tiếng nhưng vì nôn nóng, một lần nữa tôi mắc sai lầm", cô nói. Theo lộ trình, Thanh Vũ đạp tổng cộng 200 vòng, mỗi vòng dài 9 km từ hồ bơi ngoài trời đến Rheindamm và ngược lại. Đường đua hẹp, một bên là sông Rhine, một bên là những vực sâu hun hút và những dãy núi trùng điệp.
Thanh vội vàng đạp vòng đầu tiên khi trời đang mưa. Thấy ổn, cô tiếp tục đạp tiếp vòng hai nhưng mưa đã bắt đầu nặng hạt. Một đoạn xuống dốc, triathlete người Việt Nam mất lái và đâm vào một tảng đá ven đường. Cú tông mạnh khiến tay cô rướm máu đến nỗi không thể cầm vào chỗ nghỉ tay trên xe. Chân cũng bầm dập theo cú ngã.
Trải nghiệm đạp xe được Thanh Vũ miêu tả là chật vật, bế tắc và khắc nghiệt. "Thời tiết thay đổi đến chóng mặt", cô nói. "Khi mưa thì lạnh như nước đá tạt vào người, còn nóng thì muốn cháy da cháy thịt. Tôi chỉ đạp một vòng thôi mà kem chống nắng, chống nẻ như không còn tác dụng".
Trời cứ mưa rồi nắng, còn trang phục của Thanh Vũ không kịp khô. Cô được một người tư vấn mặc trang phục bơi để đạp xe. Kết quả, ngày hôm đó, cô chỉ đạp được 91 km, thay vì 270 km như mục tiêu. "Tôi bị tuột lại rất xa và phải đạp bù ở những ngày tiếp theo. Nhưng nếu thời tiết cứ mãi khắc nghiệt thì tôi phải chấp nhận thua cuộc", cô kể.
Tâm lý lúc này đè nặng lên vai Thanh. Cô bật livestream trong lúc nghỉ giữa vòng và bật khóc. "Tôi cảm thấy kiệt quệ về tinh thần, tâm trí và hoài nghi về khả năng của mình. Nhưng đã có mặt ở đây rồi, tôi không cho phép mình dừng lại", VĐV này tâm sự.
Cô ngồi vào căn lều nhỏ cạnh hồ bơi. Gương mặt rõ nét đăm chiêu và tự đặt cho bản những câu hỏi về lý do bắt đầu. "Động lực lớn nhất của tôi là mong muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Với tôi, không gì là không thể. Tôi muốn bản thân trở thành hình mẫu để mỗi bạn trẻ có đủ can đảm bước tới đam mê", nghĩ vậy, cô xốc lại tinh thần và đặt ra một chiến thuật mới cho bản thân.
Thay vì đạp xe vào ban ngày và ngủ vào ban đêm, Thanh Vũ chọn nương theo thời tiết. Cô chạy ở những thời điểm thời tiết thuận lợi như giữa đêm, sáng sớm, chiều tà và ngủ vào những lúc trời mưa to hay nắng gắt. Cô cũng phải đạp nhiều hơn để bù cho khoảng cách thiếu hụt. Trung bình, mỗi ngày Thanh chỉ ngủ khoảng hai tiếng. Sau 179 giờ 31 phút 49 giây, đại diện Việt Nam hoàn thành cự ly và đến với thử thách chạy bộ 422 km.
"Rời khỏi yên xe, tôi biết mình có thể hoàn thành giải vì chạy là thế mạnh nhưng không nghĩ sẽ vô địch vì Rita, một vận động viên rất mạnh đã bỏ tôi đến hơn một ngày đường", chân chạy sinh ở Hà Nội kể lại. Đang suy nghĩ về chiến thuật thì tiếng loa của ban tổ chức vang lên "Rita dừng cuộc chơi do vấn đề sức khỏe". Thanh Vũ trở thành người dẫn đầu. "Cô ấy là người có thể chất tốt nhất nhưng cũng phải bỏ cuộc. Điều này khiến tôi một lần nữa hoang mang và phải tự điều chỉnh chiến thuật cho phù hợp", Thanh nói.
Đối thủ của Thanh Vũ khi này chỉ còn Zacharias Nadine, vận động viên 60 tuổi, người Pháp. Nadine có thế mạnh là đi bộ nhanh nên áp dụng chiến thuật kết hợp giữa đi bộ nhanh và chạy. Dù 60 tuổi, chân chạy này cho thấy sự lì lợm khi tham gia một giải đấu siêu sức bền.
Thanh Vũ kể, ban đầu thấy khoảng cách với Nadine khá xa nên quyết định ngủ lấy sức. Chỉ sau một đêm thức dậy, Thanh đã thấy Nadine bám ngay phía sau. Một lần nữa, đại diện duy nhất của châu Á phải sửa chiến thuật. Thanh ngủ hai giờ mỗi ngày và chạy liên tục. Cứ 60 km, cô ngồi xuống lều, nghỉ ngơi, ăn và massage chân. Chiến lược nương theo thời tiết, tăng chạy đêm, giảm chạy ngày tiếp tục được áp dụng.
Sau hơn 13 ngày thi đấu bền bỉ Thanh Vũ hoàn tất cuộc thi với tổng thành tích 328 giờ 27 phút 55 giây, tương đương 13 ngày 16 giờ 27 phút và 55 giây. Zacharias Nadine về đích sau VĐV Việt Nam khoảng một giờ. Thanh Vũ chính thức trở thành nhà vô địch thế giới SwissUltra.
Sau khi Thanh Vũ hoàn thành cuộc đua, Chủ tịch Liên đoàn Triathlon thế giới nói với cô rằng trong 30 năm qua, chỉ có khoảng 100 người hoàn thành cuộc đua Deca Ultra Triathlon thế giới. "Chắc chắn đây là một giải khắc nghiệt, đến mức đôi khi tôi cũng hoài nghi chính bản thân mình. Tôi cũng rất tự hào vì bản thân đã không bỏ cuộc và mang hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế", nhà vô địch SwissUltra nói.
Với Thanh Vũ, cô khiêm tốn cho rằng những gì bản thân đã đạt được vẫn còn nhỏ bé. Thứ lớn lao hơn giải thưởng hay thành tích là hành trình cô vượt qua những khó khăn, định kiến để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Cô từng bị nhiều người dè bỉu, gọi là kẻ ảo tưởng khi nói về ước mơ thành người bền bỉ nhất thế giới.
Bước lên bục nhận giải của SwissUltra, Thanh Vũ mặc chiếc áo có dòng chữ "Number 1" - nhãn hàng mà cô đang là gương mặt đại diện, đồng thời cũng như một lời khẳng định cho vị thế và những điều mà người Việt Nam hay người châu Á có thể làm được. "Thanh hy vọng từ câu chuyện của mình, các bạn trẻ của Việt Nam có thể được truyền cảm hứng để vươn xa hơn, bay cao hơn... trở thành niềm tự hào của gia đình, đất nước. Chiến thắng vĩ đại nhất chính là chiến thắng bản thân mình và tôi luôn sẵn sàng nỗ lực để trở thành phiên bản tốt nhất", nhà vô địch khẳng định.
Hoài Phương