Trong 13 năm qua, biết tôi đến từ Việt Nam, có một số sinh viên hỏi tôi rằng: Tại sao học sinh ở các trường chuyên Việt Nam rất giỏi và đã đạt được nhiều giải thưởng quốc tế, nhưng chưa ai sau này đoạt giải Nobel Prize hoặc giải The Right Livelihood?
Đương nhiên, nói cho công bằng thì nhiều quốc gia khác cũng chưa bao giờ đoạt được những giải thưởng quá lớn này. Một trong những tiêu chí không thể thay đổi của giải thưởng Nobel Prize là các nghiên cứu, hoạt động khoa học hay văn chương đều phải trực tiếp hoặc với mục đích phục vụ nhân loại một cách thực tế.
Có một số sinh viên khác lại đưa ra một vài quan sát tinh tế thay vì câu hỏi mà tôi chưa trả lời được: Đất nước Việt Nam có lợi thế địa lý và khoáng sản, dân số Việt Nam cũng không quá ít, con người Việt Nam thì cần cù chịu khó và học nhiều, có lẽ Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về giáo dục, kinh tế, quốc phòng.
Tôi suy ngẫm về những câu hỏi và những quan sát của sinh viên nhiều lắm. Liệu nền giáo dục của ta đã thực tế chưa? Ta nên dạy gì và cung cấp sách gì cho trẻ? Cứ nhồi nhét lý thuyết, công thức, bài mẫu mãi sao? Con tôi cứ phải được học trường chuyên, được giải này, thưởng kia, được đi du học mới được sao? Ta có nên để cho trẻ tự lập, tự tư duy, tự sáng tạo, tự chọn trường, tự chọn ngành dưới sự tư vấn (không giám sát) của phụ huynh, và tự thất bại để rồi vươn lên?
Sáng nay, cũng như bao buổi sáng khác, với thói quen đọc báo sau khi thức dậy, tôi đã đọc loạt bài báo về nghề giáo viên và đã suy ngẫm nhiều về nền giáo dục nước nhà.
Tôi thật may mắn có được một số người họ hàng, người thân, người quen, hoặc bạn là nhà giáo. Nhân dịp này, tôi xin kính chúc các thầy, các cô và những người làm công tác giáo dục có nhiều niềm vui và nghị lực để tiếp tục một trong những hành trình cao quý nhất của xã hội: Đào tạo con người.
Thời gian gần đây, nhân sự của hai ngành nghề khá quan trọng trong bất cứ xã hội nào, là ngành giáo dục và ngành y, đã bỏ nghề tới mức báo động. Nói một cách nôm na, y bác sĩ chữa người, còn giáo viên thì dạy người. Không có ai khôn lớn, khỏe mạnh mà lại không một lần gặp họ trong đời của mình.
Mặc dù tôi đã phần nào nghe về một số tiêu cực trong những ngành này, nhưng đại đa số họ vẫn là những người tốt và hết mình vì công việc. Muốn giải quyết một vấn đề thì trước hết nên tìm hiểu nguyên nhân.
Tại sao giáo viên bỏ nghề? Phải chăng vì lương thấp? Vì áp lực từ nhà trường, từ phụ huynh? Hoặc là do những nguyên nhân khác? Vậy để tìm hiểu tất cả các nguyên nhân và để xem nguyên nhân nào là chính thì bộ giáo dục có nên tổ chức làm một khảo sát toàn quốc (national survey) đối với tất cả giáo viên?
Để những giáo viên đã bỏ việc tham gia khảo sát thì cần phải có khuyến khích tài chính, ví dụ trả tiền, hoặc tham gia trúng thưởng... Đồng thời lập thống kê từ số liệu từ tất cả trường học để tìm ra độ tuổi, giới tính, học vấn, và nhiều thông tin khác về những giáo viên xin nghỉ việc.
Từ các thông tin này, một số xu hướng tại sao giáo viên nghỉ việc sẽ được nhận ra để tìm cách làm chậm lại làn sóng giáo viên bỏ nghề. Nếu giáo viên bỏ nghề vì lương thấp, và đây rất có thể là nguyên nhân chính, thì sẽ tăng lương và tăng thêm lợi ích cho giáo viên như phụ cấp nhà ở, phụ cấp phương tiện đi lại.
Tôi hiểu rằng, nghề nào trong xã hội cũng quý và tôi không thần tượng hóa nghề giáo viên, nhưng nghề giáo viên có một số đặc thù riêng mà không phải ai cũng làm được hoặc nên làm.
Giáo viên trên hết là phải yêu nghề và thích làm việc với học sinh, thứ hai là phải có tính kiên trì và sáng tạo, thứ ba là phải biết hy sinh những đam mê cá nhân không lành mạnh để làm gương cho thế hệ trẻ.
Tất nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa để trở thành giáo viên mà tôi không kể hết được. Ngoài gia đình, giáo viên là người hàng ngày có ảnh hưởng lớn nhất đến hành động và hệ tư tưởng của học sinh.
Vì vậy, nếu nhà nước có trả lương cho giáo viên cao hơn cho những ngành khác thì cũng xứng đáng và công bằng thôi. Nếu tất cả giáo viên không còn phải lo lắng nhiều đến "cơm áo gạo tiền" hàng ngày nữa thì họ sẽ toàn tâm toàn ý vào việc trau dồi kiến thức và giảng dạy học sinh, và như vậy sẽ có rất ít người bỏ cái nghề và rời xa học sinh mà họ yêu mến.
Nếu trường không chạy theo thành tích cục bộ, nếu ngành có chiến lược giáo dục thực tế và bền vững, nếu phụ huynh không gò ép con em của mình học, luyện theo phong trào, nếu học sinh yêu bài tập hơn là màn hình, nếu sách giáo khoa được biên soạn quy củ, thì giáo viên sẽ luôn hài lòng với công việc, sẽ không còn dạy thêm, sẽ không còn tiêu cực, sẽ không còn trường chuyên.
Sẽ không còn phân biệt đối xử, sẽ không còn xót xa khi nhìn thấy nghịch lý giữa đời thường, đó là: Tôi yêu nghề nhưng tôi đành phải bỏ nghề. Quay lại vấn đề đầu tiên và quan trọng nhất, mà trong dân gian ta vẫn thường hay gọi là vấn đề..."tiền đâu?".
Theo ý kiến của cá nhân tôi, nhà nước nên đánh thuế cao vào những căn nhà, thửa đất thứ hai, thứ ba... và tiếp theo của những cá nhân và công ty sở hữu hơn một bất động sản. Nói như vậy không có nghĩa là những người sở hữu một bất động sản thì sẽ không bao giờ phải đóng thuế bất động sản. Khía cạnh này xin được bàn vào một dịp khác.
Trong bài viết ngắn gọn này, tôi không thể trình bày hết và giải thích cặn kẽ một chính sách lớn và vĩ mô như thế này được. Ý tưởng của tôi là sẽ giành khoảng 50% tổng số thu nhập từ loại thuế bất động sản đầu tư này để chi trả và đầu tư vào giáo dục.
Hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều giành phần lớn thuế bất động sản cho giáo dục, và giành phần lớn thuế thu nhập cho quốc phòng và an sinh. Đề xuất này của tôi có lẽ sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là từ những cá nhân và công ty có nhiều bất động sản. Nhưng nếu cá nhân và công ty nào có sáng kiến hay hơn thì tôi sẽ rất chú ý lắng nghe.
Ngoài vấn đề lương giáo viên ra thì sao? Phải chăng hệ thống giáo dục của chúng ta đang cần một sự đổi mới để phù hợp hơn với thời đại mới và thế giới mới? Vào mỗi dịp đầu khóa học ở trường đại học tôi đang giảng dạy và nghiên cứu, giáo sư và sinh viên thường giao lưu để làm quen và biết tên nhau.
Còn câu chuyện về người tài thì sao? Có nhiều định nghĩa về người tài, người thành công. Mặc dù là một nhà giáo, nhưng theo riêng tôi, người tài không hẳn phải là người học thật giỏi, đoạt giải, làm địa vị cao, hay có nhiều tiền. Đương nhiên học giỏi, đoạt giải, có địa vị cao, có nhiều tiền là điều rất tốt. Xin bạn đọc đừng hiểu nhầm ý của tôi.
Người tài đơn giản có thể là người tạo ra công ăn việc làm cho người khác trong xã hội để họ tự nuôi được bản thân. Người tài đơn giản là người có tầm ảnh hưởng tích cực trực tiếp hay gián tiếp đến người khác để người khác trở nên có ích cho gia đình và cho xã hội. Người thành công có thể đơn giản là người được nhiều người khác quý mến. Người thành công không chỉ lo cho thành công của riêng mình mà còn làm cho người khác và cả cộng đồng thành công. Tôi hy vọng trường học và giáo viên đang truyền những cảm hứng không huyền bí này đến học sinh của mình.
>> Lương 3,7 triệu đồng không dạy thêm tiền đâu sống?
Trong một lần đến nói chuyện giao lưu với sinh viên tại một trường đại học trong nước nhân dịp về thăm Tổ quốc và gia đình, có một sinh viên hỏi tôi tại sao chưa về Việt Nam để cống hiến trong khi đất nước đang cần những tiến sĩ, giáo sư có kiến thức và kinh nghiệm doanh nghiệp thực tế.
Tôi cũng đã trăn trở và tự hỏi nhiều lần. Tôi còn có gia đình và nhiều ràng buộc nơi đất khách quê người. Nhưng tôi nghĩ, bất kỳ ai đã có tâm cống hiến cho xã hội loài người thì dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới, người đó cũng có thể cống hiến được. Trái đất tròn mà. Một lần nữa, kính chúc tất cả người thầy, người cô, người đồng nghiệp, người phục vụ cho sự nghiệp trồng người một Ngày Nhà Giáo Việt Nam đầy ý nghĩa và đáng ghi nhớ.
Vincent Lê
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.