Cách đây gần 20 năm, tôi ghé qua Singapore chơi. Buổi sáng tôi ngồi đọc báo, thấy bài viết của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ông chia sẻ về những điều khiến các lãnh đạo thế giới phải trăn trở, cụ thể là làm sao để đảm bảo lực lượng lao động cho đất nước, tránh già hóa dân số. Hóa ra tổng thống Mỹ Geogre W. Bush lúc đó cũng có trao đổi với ông Lý Hiển Long về vấn đề đó.
Đối với những người lãnh đạo đất nước, đứng đầu một nền kinh tế, thì những gì họ quan tâm khác với những gì mà người thường quan tâm. Nước Mỹ lo lắng về quỹ an sinh xã hội ngày một ít đi trong khi người già ngày một nhiều. Singapore cũng lo lắng vì những vấn đề tương tự.
Tỷ lệ sinh ít đã và đang trở thành một vấn đề ở rất nhiều nơi trên thế giới. Từ những năm 90, Nhật đã bị xem là một nước có dân số già và họ già đi nhanh thật. Từ năm 2008 đến giờ, dân số Nhật đã liên tiếp giảm.
>> 'Không dám sinh con thứ hai dù có nhà Sài Gòn'
Các nước phát triển đối phó với vấn đề này bằng cách nhập cư. Anh, Australia và Canada đều có các chương trình di cư tay nghề cao (skill immigration). Ngoài trình độ tay nghề và tiếng Anh thì các chương trình này có các giới hạn về độ tuổi. Trên 45 thì Australia sẽ không nhận nữa.
Các nước này nhận người di cư nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động cho nước họ. Điều này không phải là vô cớ, bởi chả ai rảnh rỗi để nhận người khác vào nước mình để làm gì. Singapore cũng có những chương trình cho sinh viên sang học đại học rồi cấp thị thực lao động cho họ.
Nhật không chịu làm như vậy trong nhiều năm. Nguyên nhân chủ yếu do tư duy về một xã hội đơn chủng tộc. Người Nhật ít chấp nhận các chủng tộc khác di cư vào nước mình. Những năm gần đây Nhật không còn đủ nhân công nên họ phải mở các chương trình nhập khẩu lao động ở đủ mọi trình độ. Những năm 90, người đi xuất khẩu lao động sang Nhật đâu có rầm rộ như bây giờ.
Đấy là một cuộc dạo chơi quanh các nước phát triển và cách đối phó với tỷ lệ sinh thấp của họ. Các biện pháp tăng tỷ lệ sinh sản trong nước gần như không phát huy hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều và ở đâu cũng như nhau.
Chỉ cần ngó qua trên diễn đàn đã có đầy đủ tất cả nguyên nhân: không cần sinh con vì con đâu có nuôi mình lúc về già; sinh con tốn kém, không đủ kinh tế để chăm lo cho con; trái đất quá đông, sinh con nữa làm gì; tài nguyên trái đất giảm bớt, sinh thêm con nữa thì không đủ tài nguyên; không muốn sinh con ra bởi đời là bể khổ...
Tất cả những nguyên nhân đó đúng với từng cá nhân. Còn vấn đề an sinh xã hội lại khác. Nhiều người cho rằng không muốn sinh con hay sinh ít, rồi sẽ dành dụm để không phiền ai khi về già, thực tế cũng ảnh hưởng đến lực lượng lao động.
>> Tôi không dám đẻ nữa vì nuôi con quá vất vả
Một người cày cuốc cả đời và để dành được một triệu đôla, khi về già họ vào nhà dưỡng lão. Nhà dưỡng lão thì sẽ phải có nhân viên, những người trong độ tuổi lao động. Họ phải được trả lương. Một triệu đôla có thể là nhiều, ở thời điểm hiện tại có thể trang trải được chừng hai mươi năm, nhưng nếu giá lao động lên cao thì nó sẽ trang trải được bao nhiêu lâu? Khi tiền bạc mất giá thì cái gọi là khoản tiền dành dụm đó chẳng còn được mấy nữa.
Người già vẫn phải dùng dịch vụ công, họ không đóng thuế thì người trong độ tuổi lao động phải đóng thuế. Những đồng tiền thuế mà người già đã đóng hồi còn lao động đã bị tiêu xài lúc đó rồi. Khi về già, họ nói đã đóng đủ thuế rồi, giờ là chuyện của lớp trẻ. Nhưng cái lớp trẻ đó mà không có mặt thì gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Sự hậm hực của những người không thích sinh con cũng dễ hiểu. Họ sợ hãi trước khả năng là mình sẽ khổ và con sẽ khổ, mà đúng là sinh con ra thì đứa con có khả năng sẽ khổ. Đời là bể khổ, ai sinh ra thì cũng sẽ trải qua sinh lão bệnh tử.
Sự "hy sinh" vì thế hệ tương lai không tồn tại ấy có cái giá của nó. Đó là một xã hội lão hóa, nơi mà bệnh viện sản và nhi dần thu hẹp, những nhà dưỡng lão nhiều thêm. Cái giá phải trả tất nhiên là sự khổ đau, bởi đâu có sự hy sinh nào mà không đắt giá.
>> 'Ngại sinh con thứ hai không vì thích hưởng thụ'
Italy giờ cũng đầy người già. Trong đại dịch này các bác sĩ hơn 60 tuổi phải còng lưng chăm nom cho bao người già. Ở Trung Quốc cũng vậy, giờ thì người 70 tuổi được xem là lực lượng lao động lý tưởng để chăm nom người ngoài 90, những người tất nhiên không phải là cha mẹ của người 70 tuổi. Dù là Trung Quốc đã dùng chính sách một con suốt 40 năm nay hay là Italy vốn chẳng nói gì về chuyện sinh đẻ thì loài người vẫn cứ bớt sinh.
Chỉ có một câu trên mạng xã hội về những sự thật ít ai để ý tới là đúng hơn cả: Sẽ có lúc dân số người trên trái đất này sẽ giảm dần đi, và tới lúc đó thì loài người sẽ không làm được gì để thay đổi điều đó cả.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.