Phán quyết ngày 24/6 nhận được 6 phiếu thuận và ba phiếu chống, khi phe bảo thủ chiếm thế đa số trong Tòa án Tối cao. Phán quyết ủng hộ luật của Mississippi do đảng Cộng hòa hậu thuẫn, cấm phá thai sau 15 tuần.
Tòa đảo ngược phán quyết vụ kiện "Roe chống lại Wade" đã đưa ra năm 1973. Khi đó, Tòa Tối cao tuyên bố phá thai là một trong những quyền con người căn bản của phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên tu chính án số 14. Án lệ này đã được coi là văn bản pháp luật cao nhất ở Mỹ trong vấn đề phá thai. Chánh án John Roberts cho biết ông ủng hộ luật của Mississippi, nhưng sẽ không thực hiện bước bổ sung để xóa hoàn toàn án lệ nói trên.
Tòa Tối cao đánh giá phán quyết trong vụ kiện "Roe chống lại Wade" cho phép phá thai từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ là quyết định sai lầm vì Hiến pháp Mỹ không đề cập cụ thể quyền phá thai.
Các bang giờ đây có quyền thông qua luật cấm phá thai. 26 bang được coi là chắc chắn hoặc có khả năng cấm phá thai. Mississippi nằm trong số 13 bang đã chuẩn bị sẵn luật để cấm phá thai khi phán quyết năm 1973 bị lật ngược.
"Hiến pháp không trao quyền phá thai", Tòa Tối cao Mỹ ra tuyên bố. "Thẩm quyền ra quy định về việc phá thai được trả lại cho người dân và các quan chức dân cử".
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland cho biết bộ sẽ đấu tranh để bảo vệ quyền phá thai và báo hiệu các cuộc chiến pháp lý sẽ xảy ra.
Phá thai có khả năng vẫn hợp pháp ở các bang theo quan điểm tự do. Hơn 10 bang hiện có luật bảo vệ quyền phá thai. Trong khi đó, nhiều bang do đảng Cộng hòa lãnh đạo những năm gần đây đã thông qua các hạn chế phá thai. Theo phán quyết mới nhất, những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn có thể phải đến bang khác để phá thai.
"Chúa đã đưa ra quyết định", cựu tổng thống Donald Trump nói khi ca ngợi phán quyết. Khi tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết sẽ bổ nhiệm thẩm phán cho Tòa án Tối cao, những người sẽ đảo ngược phán quyết vụ kiện "Roe chống lại Wade".
Trong 4 năm tại vị, ông Trump bổ nhiệm ba thẩm phán bảo thủ, chiếm 1/3 tổng số thẩm phán tại Tòa án Tối cao, thành công xây dựng thế đa số bảo thủ 6-3. Cả ba người được ông bổ nhiệm đều bỏ phiếu thuận trong phán quyết mới nhất.
Tổng thống Joe Biden gọi phán quyết này là "sai lầm bi thảm" xuất phát từ "hệ tư tưởng cực đoan" và cho rằng đây là "ngày buồn cho tòa án và đất nước". "Sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ ở quốc gia này đang bị đe dọa", ông Biden nói, đồng thời cảnh báo rằng các quyền khác có thể bị đe dọa, như hôn nhân đồng tính và biện pháp tránh thai.
Các cuộc biểu tình phản đối phán quyết đã nổ ra gần như ngay lập tức ở thủ đô Washington và các nơi khác như New York, Boston. Nhiều cuộc biểu tình cũng được lên kế hoạch trên khắp đất nước. "Phá thai là chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe là một quyền", đám đông hô khi diễu hành tại Manhattan, New York.
Tỷ lệ phá thai ở Mỹ lên mức cao nhất vào năm 1980, 7 năm sau phán quyết năm 1973, ở mức 29,3 ca trên 1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-44). Số trường hợp đã giảm xuống 13,5 ca trên 1.000 phụ nữ vào năm 2017 trước khi tăng lên mức 14,4 ca năm 2020. Trong năm 2020, có 930.160 ca nạo phá thai ở Mỹ, chiếm 20,6% trong tổng số ca mang thai, tăng từ 18,4% năm 2017. Mississippi đã chứng kiến mức tăng 40% từ năm 2017 đến năm 2020.
Trên toàn cầu, quyền phá thai nhìn chung đang tăng lên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết khoảng 73 triệu ca phá thai diễn ra trên toàn cầu mỗi năm, chiếm 29% số ca mang thai.
Huyền Lê (Theo AFP, CNA)