Theo thống kê từ Mayo Clinic, mạng lưới bệnh viện và nghiên cứu y khoa hàng đầu tại Mỹ, khoảng 55,7% dân số cả nước đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Số người được tiêm đủ liệu trình chiếm 48,3%. Thành trì vaccine dù vậy đang có dấu hiệu lung lay trước làn sóng biến chủng Delta.
Ca nhiễm nCoV có xu hướng tăng ở gần như mọi bang. Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy trong tuần qua trung bình mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm 19.455 người dương tính với virus.
Số ca nhập viện vì Covid-19 cũng tăng trở lại. Mức trung bình trong tuần qua là 2.507, hơn 500 ca so với tuần trước đó.
Điều đáng lo ngại là số ca nhiễm đang tăng nhanh ở một loạt bang có tỷ lệ tiêm chủng cao như New York, Vermont hay California. Đơn cử ở hạt Los Angeles tại California, ngày 13/7 là ngày thứ năm liên tiếp địa phương ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới.
Cả ba bang đều có thành tích tiêm chủng thuộc top đầu cả nước. Khoảng 62,7% trên tổng dân số 39,2 triệu người ở California tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19. Vermont với hơn 624 nghìn dân trở thành nơi đầu tiên cán mốc trên 80% cư dân trưởng thành được tiêm chủng vào tháng 6 và đang hướng đến mục tiêu "miễn dịch cộng đồng" bằng độ phủ vaccine 75% toàn bang. New York có dân số 19,5 triệu người thì hơn 61% đã hoàn thành một phần hoặc toàn bộ liệu trình tiêm chủng.
Tín hiệu khả quan là số ca tử vong trung bình tuần đã giảm 25%. Đây là thành quả của chiến dịch tiêm vaccine quyết liệt cho những nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi và nhân viên y tế tuyến đầu. Hơn 99% ca tử vong vì Covid-19 trong tháng 6 đều thuộc diện chưa tiêm vaccine.
Theo David Rubin, giám đốc trung tâm PolicyLab thuộc Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, nguy cơ từ biến chủng Delta thậm chí sẽ nghiêm trọng hơn ở những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Arkansas, Florida, Iowa, Misouri và Oklahoma đang tăng gấp đôi.
"Bất kỳ nơi nào còn cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp đều đang bị đe dọa", Jennifer Nuzzo, chuyên gia về an ninh y tế thuộc Đại học Johns Hopkins, cảnh báo.
Các nhà khoa học và phòng thí nghiệm đánh giá tính rời rạc của hệ thống y tế đang khiến Mỹ hụt hơi trước tốc độ Delta lây lan và nguy cơ biến chủng mới.
Giải trình tự gene là vũ khí chống dịch quan trọng với y tế cộng đồng. Công cụ cho phép chính phủ theo dõi và phát hiện biến chủng có khả năng lây lan nhanh như Delta, đồng thời đánh giá mức hiệu quả của vaccine với từng đột biến mới. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chia sẻ dữ liệu giữa khu vực tư nhân và công lập đang kìm tỏa năng lực này của Mỹ trong trận chiến với đại dịch.
Bronwyn MacInnis, giám đốc giám sát di truyền học bệnh dịch tại Viện Broad, lưu ý chính phủ Anh đã sớm cải thiện năng lực giải trình tự gene để đón đầu mối đe dọa. Trong khi đó, chỉ đến khi những biến chủng nguy hiểm lan rộng, Mỹ với bắt đầu ưu tiên phát triển cùng mảng.
Trong 30 ngày qua, Mỹ mới giải trình tự gene 2,8% ca dương tính nCoV ghi nhận cùng kỳ trên toàn quốc và chia sẻ thông tin cho kho dữ liệu di truyền toàn cầu (GISAID). Công suất giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm ở Anh và Israel lần lượt là 9,3% và 8,5%.
Dữ liệu từ Mỹ cũng mất 2 tuần mới được cập nhật cho GISAID, trong khi ở Anh và Israel lần lượt là 9 và 12 ngày.
Những số liệu trên cho thấy Anh và Israel không mất cảnh giác theo dõi đột biến ở nCoV dù có độ phủ vaccine trên phần trăm dân số cao tương tự Mỹ. Bên cạnh đó, hai nước còn có lợi thế về hệ thống tổ chức. Ở Anh, chính phủ là nhà bảo hiểm y tế độc quyền thông qua cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Còn tại Israel, hệ thống Kupat Holim buộc mỗi công dân tham gia một trong 4 quỹ bảo hiểm y tế được chính phủ quy hoạch.
"Thách thức nằm ở câu chuyện hậu cần. Có quá nhiều điểm và phương pháp xét nghiệm nên việc giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm rất khó", Will Lee, phó chủ tịch công ty nghiên cứu di truyền Helix, nhà thầu phân tích mẫu bệnh phẩm cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cho biết.
CDC đã hợp tác với các phòng thí nghiệm tư nhân và trường đại học nhằm mở rộng quy mô, tăng tốc phân tích xét nghiệm trên toàn quốc. Tuy nhiên, riêng trong lĩnh vực giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm, hạ tầng dữ liệu của Mỹ vẫn vận hành chậm chạp và quy định rườm rà.
Arthur Reingold, trưởng khoa dịch tễ học ở Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Berkeley, đánh giá Mỹ phân tán công việc cho quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ y tế và phòng thí nghiệm. Tập hợp dữ liệu ở Mỹ đang khó khăn hơn những nước phát triển khác.
"Nếu bạn có mô hình NHS cùng các phòng thí nghiệm trực thuộc, bạn có thể tổ chức nhân lực và yêu cầu phối hợp trôi chảy hơn", ông nói.
Trong khi đó, Bronwyn MacInnis tự tin Mỹ có đủ năng lực phân tích mẫu và chắc chắn không thiếu xét nghiệm. Rào cản lớn nhấn là việc tập hợp xét nghiệm dương tính giữa những cơ sở có trách nhiệm giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm và phân tích dữ liệu.
Mỗi bang lại có những quy định khác nhau về chia sẻ thông tin. Bức tranh chung về tình hình lây lan của biến chủng Delta do đó không đầy đủ, đặc biệt khó xác định điểm bùng phát mới.
"Nhiều quy định được đặt ra nhằm bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Điều này cũng ngăn cản chia sẻ nhanh chóng loại thông tin cần thiết. Mỗi bang và địa phương lại có những quy định riêng và cách diễn giải riêng về quy định liên bang", Thomas Friedrich, giáo sư sinh lý bệnh học thuộc Đại học Wisconsin - Madison, chia sẻ.
Trung Nhân (Theo Finacial Times)