"Chúng tôi không chỉ hướng đến những điểm tiêm chủng đại trà, mà sẽ triển khai tới từng cửa nhà, những phòng khám lưu động. Chúng tôi đang tiêm vaccine tại nhà thờ, các cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên, tiệm cắt tóc, cửa hàng tạp hóa", Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) Xavier Becerra cho biết.
Sau những thành công ban đầu, tốc độ tiêm chủng tại Mỹ đã giảm xuống dưới 1 triệu liều mỗi ngày và chưa có dấu hiệu cải thiện. Nhà Trắng hôm 22/6 thừa nhận họ có thể không đạt được mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden đề ra, là tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19 cho 70% người trưởng thành Mỹ tính đến ngày quốc khánh 4/7.
Khoảng 170 triệu người Mỹ trưởng thành đã tiêm ít nhất một liều vaccine, tương đương 54% dân số. Trong khi đó, số người đã tiêm chủng đầy đủ chiếm 46,1% tổng số dân. Một phân tích của AP cho thấy với tốc độ tiêm như hiện nay, mục tiêu của Biden thậm chí đến cuối tháng 7 có thể vẫn chưa đạt được.
Trong nỗ lực xoay chuyển tình thế, các nhà phân tích tại HHS vạch ra chiến lược vận động mới, nhắm đến khoảng 55 triệu người trưởng thành chưa tiêm được đánh giá là có thể thuyết phục được. Họ là những người trẻ, chủ yếu trong độ tuổi 18-29, hầu hết chưa học đại học và có quan điểm chính trị độc lập. Khả năng người trưởng thành da màu và gốc Latinh thuộc nhóm này cao hơn những đối tượng khác.
Lý lẽ mà giới chức đang dựa vào để vận động nhóm người này tiêm vaccine là mối nguy hiểm từ những biến chủng virus mới. Biến chủng Delta, lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ hồi tháng 10/2020, đang lan rộng tại Mỹ với 1/5 mẫu virus được xác định là biến chủng dễ lây hơn này. Nhiều ca nhiễm biến chủng Delta là người trẻ tuổi và chưa tiêm vaccine.
"Nếu tiêm chủng, bạn được bảo vệ. Không tiêm chủng, mối đe dọa từ các biến chủng là sự thật và ngày càng gia tăng", tiến sĩ Vivek Murthy, cố vấn y tế của Biden, cảnh báo.
Theo phân tích của AP, dựa trên dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), gần như tất cả trường hợp tử vong vì Covid-19 gần đây tại Mỹ đều là những người chưa tiêm chủng. Chỉ 0,1% ca nhiễm nCoV nhập viện hồi tháng 5 là những người đã tiêm đầy đủ.
Các quan chức hàng đầu Nhà Trắng đã tham gia nỗ lực thúc đẩy tiêm vaccine Covid-19, bao gồm Tổng thống Biden. Hôm 24/6, ông tới thăm một điểm tiêm chủng lưu động tại thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina. Trước đó vào cùng ngày, Đệ nhất phu nhân Jill Biden đến một điểm tiêm chủng ở thành phố Kissimmee, bang Florida. Doug Emhoff, chồng của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris, cũng tích cực đi vận động.
Chính quyền cũng nhờ tới sự hỗ trợ của những người nổi tiếng và vận động viên, bao gồm ngôi sao nhạc đồng quê Brad Paisley và đội khúc côn cầu Tampa Bay Lightning, đồng thời hợp tác với công ty Twitch và Riot Games để tiếp cận các game thủ, hay các chuỗi nhà hàng để cung cấp đồ ăn miễn phí cho những người đi tiêm. Ngoài ra, giới chức còn dựa vào "những người truyền thông điệp đáng tin cậy", là các nhà tổ chức trong cộng đồng có sức ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nỗ lực thuyết phục người dân không phải nhiệm vụ dễ dàng. Sau chuyến thăm Mississippi đầu tuần trước của Jill Biden, Sherie Bardwell, một cư dân tại đây, không mấy ấn tượng.
"Bà ấy nói rằng vaccine là phép màu mà không cần đến đức tin, trong khi Kinh thánh viết chỉ cần sống bằng đức tin", Bardwell cho hay. Bên cạnh đó, vợ chồng Bardwell đều từng nhiễm nCoV, nên bà thắc mắc về sự cần thiết của việc tiêm chủng.
"Nếu vaccine là phép màu, tại sao mọi người vẫn có nguy cơ nhiễm virus sau khi tiêm? Nó không có ý nghĩa gì với tôi", Bardwell nói thêm. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến nghị những người đã bình phục sau khi nhiễm nCoV vẫn nên tiêm chủng để duy trì khả năng bảo vệ trước virus.
Thành công tiêm chủng sớm của Mỹ dường như lại trở thành rào cản với công tác chống dịch. Do số ca nhiễm và tử vong giảm mạnh chưa từng thấy kể từ khi đại dịch bùng phát, giới chức cho biết rất khó thuyết phục người dân về mức độ cấp bách của việc tiêm chủng, đặc biệt là những người trẻ biết rằng nguy cơ mắc biến chứng nghiêm trọng khá thấp đối với họ.
Dù ghi nhận nỗ lực vận động tiêm chủng của chính quyền Biden, một số chuyên gia cho rằng không thể chỉ dựa vào biện pháp thuyết phục. Trong khi chính phủ bác bỏ đề xuất áp dụng hộ chiếu vaccine, vốn có thể trở thành "vé thông hành" di chuyển quốc tế, đây lại có khả năng là một động lực tiêm chủng đáng kể.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia y tế đang tăng cường kêu gọi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho các vaccine Covid-19, hiện được tiêm theo cơ chế phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Brown, bang Rhode Island, cho biết một số người Mỹ chưa tiêm nghĩ rằng việc các vaccine chưa được cấp phép đầy đủ có thể là một "rào cản". "Dữ liệu hiện nay chứng minh các vaccine an toàn và hiệu quả. Đã đến lúc cấp phép đầy đủ", Jha viết trên Twitter.
Thống đốc bang Arkansas Asa Hutchinson cũng tin rằng quyết định phê duyệt đầy đủ của FDA sẽ thúc đẩy nhiều người đi tiêm chủng hơn, từ đó giảm số ca nhập viện vì Covid-19.
"Khi nhìn vào lệnh phê duyệt sử dụng khẩn cấp, người dân sẽ nghĩ đến việc vaccine chưa được cấp phép đầy đủ, chưa có tất cả nghiên cứu cần thiết được hoàn thiện. Vì vậy, việc bắt buộc tiêm chủng là không thể. Chúng tôi phải dựa vào nỗ lực thuyết phục", Hutchinson cho biết.
Tuy nhiên, Jesse Goodman, nhà khoa học từng làm việc tại FDA, cảnh báo việc cơ quan này vội vàng cấp phép đầy đủ cho các vaccine "sẽ thực sự gây ra tác dụng ngược, làm giảm bớt niềm tin". Ông tin rằng FDA cho tới nay đang hành động đúng đắn.
"Họ làm việc nhanh chóng, nhưng cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng", Goodman nói.
Ánh Ngọc (Theo AP, Advisory Board)