Thứ ba, 11/9/2018, 08:20 (GMT+7)

Vì sao doanh nghiệp toàn cầu muốn dự Diễn đàn Kinh tế thế giới?

WEF ASEAN sắp khai mạc là một trong những sự kiện tạo cơ hội kết nối giá trị cho doanh nhân toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Thành lập năm 1971, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Mục tiêu của họ là thúc đẩy hợp tác công – tư, nhằm cải thiện tình hình thế giới. Họ hoạt động độc lập, trung lập và không gắn với bất kỳ quyền lợi nào.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) là một trong những hội nghị lớn và quan trọng nhất của WEF trong khu vực. WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam có số lượng lãnh đạo quốc gia kỷ lục khi có lãnh đạo cấp cao của các nước ASEAN gồm Philippines, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Singapore, Lào và Việt Nam. Thủ tướng Sri Lanka cùng nhiều bộ trưởng từ Hàn Quốc, Thái Lan và các quốc gia khác cũng sẽ góp mặt. 

WEF ASEAN 2018 diễn ra tại Việt Nam từ ngày 11/9 đến 13/9 với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4".

Sự kiện dự kiến thu hút 800 - 1.000 đại biểu, thảo luận về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Lãnh đạo 100 startup đại diện cho tinh thần khởi nghiệp tại ASEAN cũng sẽ tham dự.

Bên cạnh đó, WEF nổi tiếng nhất với hội nghị thường niên tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ) vào cuối tháng 1. Sự kiện này kéo dài 4 ngày, thường xuyên thu hút khoảng 2.500 – 3.000 đại biểu từ hơn 100 quốc gia, gồm các chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp, người nổi tiếng và nhà hoạt động xã hội. Vai trò của WEF là kết nối, đưa những người này đến gần nhau để cùng bàn bạc và tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề nổi bật, như bất bình đẳng thu nhập, biến đổi khí hậu hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Mỗi năm, Davos sẽ có một chủ đề bàn thảo khác nhau. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Tạo dựng Tương lai Chung trong Một thế giới bị Chia tách”, với hơn 400 phiên họp.

Ngoài ra, hàng năm, họ còn tổ chức nhiều diễn đàn tại các khu vực khác nhau trên thế giới, gồm châu Phi, Đông Nam Á và Mỹ Latin, cũng như hai sự kiện thường xuyên ở Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). WEF cũng thực hiện nhiều nghiên cứu và tham gia vào nhiều sáng kiến nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu trên mọi lĩnh vực.

WEF được đánh giá là cơ hội kết nối hợp tác rất giá trị với các doanh nghiệp. Không chỉ có số đại biểu lớn tham gia các diễn đàn, WEF còn có mạng lưới công ty thành viên và đối tác chiến lược đông đảo, với khoảng 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Các công ty này sẽ được tham gia định hình chương trình nghị sự của WEF, cũng như các dự án và sáng kiến của tổ chức này trên toàn cầu. 

Một phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos đầu năm nay. Ảnh: Bloomberg

Một phiên họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos đầu năm nay. Ảnh: Bloomberg

Nhận thấy cơ hội từ WEF, các nước Đông Nam Á cũng ngày càng tăng cường tham gia vào các sự kiện của tổ chức này. Báo cáo của WEF cho thấy năm 2017, các nước ASEAN đã cử đến Davos số đại biểu kỷ lục, với 100 người, trong đó có 24 Bộ trưởng và 36 lãnh đạo doanh nghiệp.

Riêng tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN) tổ chức vào tháng 5/2017 tại Phnom Penh (Campuchia), hơn 700 người đã tới tham dự. Năm nay, WEF ASEAN tại Việt Nam đón số lượng lãnh đạo quốc gia kỷ lục đến từ Philippines, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Singapore, Lào và Việt Nam. Sự kiện dự kiến thu hút 800 - 1.000 đại biểu, trong đó có lãnh đạo 100 startup đại diện cho tinh thần khởi nghiệp tại ASEAN.

Trong nhiều năm hợp tác với WEF, ASEAN cũng nhận được khá nhiều hỗ trợ từ tổ chức này. Năm 2016, WEF thành lập Hội đồng Doanh nghiệp ASEAN (RBC), đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp trong khu vực. Nhiệm vụ của nhóm này là giúp WEF tham gia sâu hơn vào hoạt động của Đông Nam Á, định hình chiến lược và chương trình nghị sự của WEF trong khu vực; đồng thời thúc đẩy sáng kiến, hành động để tạo ra các thay đổi có ý nghĩa.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm ngoái tổ chức tại Campuchia. Ảnh: Phnom Penh Post

Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm ngoái tổ chức tại Campuchia. Ảnh: Phnom Penh Post

Tại thời điểm thành lập, RBC có 55 công ty và một hội đồng giám đốc gồm các công ty lớn của ASEAN. Họ cam kết nỗ lực giảm hàng rào phi thuế quan – rào cản lớn với cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, đồng thời mở chương trình tư vấn/huấn luyện (mentor) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó, các công ty này cũng sẽ có cơ hội nhận được nhiều lời khuyên về kinh doanh và tham gia vào nhiều hoạt động, sự kiện.

Bên cạnh RBC, năm 2016, WEF cũng thành lập Hội đồng Chiến lược ASEAN (RSG), gồm các đại diện từ cả RBC và thành viên chính phủ, học giả, các tổ chức quốc tế và ngân hàng phát triển. RSG và RBC sẽ cùng làm việc để kết nối các bên liên quan, giải quyết các vấn đề khó và tìm ra các sáng kiến mới.

WEF cũng có hàng loạt sáng kiến hỗ trợ ASEAN, từ Grow Asia – mục tiêu đào tạo 10 triệu nông dân, Digital ASEAN – giúp phát triển nền kinh tế số trong khu vực, đến ASEAN Infrastructure Hub – thu hẹp thâm hụt đầu tư trong khu vực, hỗ trợ các nhóm hoạt động về cơ sở hạ tầng tại Indonesia và Việt Nam. Nhóm Future of Production thuộc WEF cũng đang nghiên cứu giúp các nước ASEAN ứng phó với biến đổi về công nghệ.  

Kinh tế Việt Nam cũng rất tích cực tham gia và tìm kiếm cơ hội từ WEF. Tại Davos 2017, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ký thỏa thuận với WEF về hợp tác công - tư (PPP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó thủ tướng Phạm Bình Minh những năm gần đây đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang Davos để tiếp xúc song phương, gặp gỡ các doanh nghiệp toàn cầu, cũng như tham dự và phát biểu tại một số phiên thảo luận của hội nghị.

Hà Thu

 

Chia sẻ bài viết qua email