Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh tháng 8/2017, Thủ tướng Lý Hiển Long kể về điều Bộ trưởng Nhân lực Lim Swee Say quan sát khi ông thăm Thượng Hải cách đó vài năm.
Khi xếp hàng để mua hạt dẻ ở một quầy hàng bên đường, ông Lim thấy những người phía trước vẫy điện thoại thông minh trước khi nhận hạt dẻ và rời đi mà không phải trả bất kỳ khoản tiền nào.
Bộ trưởng cho rằng họ được khuyến mại. Ông nói với chủ quầy hàng rằng ông không cần khuyến mại và đề nghị trả bằng tiền mặt. Khi người bán hàng chỉ vào mã QR, ông Lim mới nhận ra rằng mọi người đã trả tiền bằng cách đó.
"Thế thì khi du khách Trung Quốc thấy rằng họ phải sử dụng tiền mặt ở đây, họ sẽ đặt câu hỏi: sao mà Singapore lại lạc hậu thế?", Thủ tướng Lý Hiển Long nói.
Bài phát biểu này của Thủ tướng Lý Hiển Long, người dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 ngày 11 - 13/9 ở Việt Nam, nhấn mạnh quyết tâm của Singapore trong việc chuyển đổi khoảng một tỷ USD giao dịch tiền mặt tại các khu ẩm thực (nơi tập hợp gian hàng của tiểu thương để xóa bỏ quầy hàng trên đường phố) mỗi năm sang thanh toán điện tử.
Các ngân hàng DBS Bank, OCBC Bank và United Overseas Bank đồng sở hữu hệ thống giao dịch điện tử Network for Electronic Transfers (Nets), đã hợp tác với các ngân hàng khác như HSBC, Maybank, Standard Chartered Bank và Citibank để hợp nhất hệ thống không dùng tiền mặt tại Singapore. Người tiêu dùng từ những ngân hàng này có thể sử dụng hệ thống mã QR của Nets để thực hiện thanh toán tại các quầy. Hơn 600 gian hàng đã triển khai hệ thống vào năm 2017 và con số này tăng lên thành 3.000 gian vào năm nay.
Để sử dụng, khách hàng mở ứng dụng ngân hàng và quét mã. Sau đó, họ nhập số tiền thanh toán. Thiết bị đầu cuối tại gian hàng thông báo cho chủ quầy giao dịch thành công bằng cách in biên lai.
Nhà khai thác thẻ EZ-Link cũng hợp tác với Nets để thúc đẩy phương thức thanh toán điện tử. Từ tháng 4, khách hàng có thể sử dụng cả thẻ EZ-Link và Nets trên thiết bị đầu cuối của Nets.
"Giả sử bạn quên mang ví, bạn có thể thanh toán bằng thẻ hay di động", Benson Low, lãnh đạo Tanjong Pagar Plaza Market and Food Centre nói, theo Channel News Asia. "Ở những nơi không có Nets hay mã QR thì nếu bạn quên ví, bạn sẽ ôm bụng đói về nhà".
Một dịch vụ khác là Liquid Pay, hoạt động thông qua ứng dụng di động. Để thanh toán, khách hàng quét mã QR tại quầy hàng và nhập số tiền trên ứng dụng. Khi giao dịch thành công, chủ quầy sẽ nhận được thông báo trên di động. Có 800 quầy sử dụng dịch vụ này vào năm ngoái.
Ngoài ra, nền tảng thanh toán PayNow ra mắt vào năm ngoái liên kết các tài khoản ngân hàng với số điện thoại di động hoặc số thẻ căn cước, để người dùng có thể gửi tiền cho người khác thông qua số điện thoại thay vì phải nhớ số tài khoản ngân hàng. Hơn 1,4 triệu người dùng đã đăng ký và gần 662 triệu USD đã được chuyển qua dịch vụ này.
Vượt qua trở ngại
Nhiều chủ gian hàng ca ngợi tính tiện dụng của thanh toán điện tử. "Đối với tôi, sử dụng Nets thuận tiện hơn nhiều. Chúng tôi không cần phải sử dụng tiền xu. Vào thời gian cao điểm, chúng tôi không cần cầm tiền mặt, như vậy vệ sinh hơn", Patrick Sze, chủ quầy hàng tại Clementi 448 Market và Food Center, nói.
Người bán mì Anson Loo tại Golden Mile Food Center cũng đồng quan điểm. "Bạn tôi thứ hai nào cũng phải đến đây để đổi tiền xu cho tôi. Tuần này, cô ấy đến trễ và tôi không có đủ tiền lẻ để thối cho khách", anh kể. "Nhưng khi chúng ta không dùng tiền mặt, tôi không phải lo lắng về tiền xu".
Tuy nhiên, một số chủ quầy vẫn ngần ngại trước phương pháp này. Họ lo ngại về chi phí lắp đặt thiết bị đầu cuối, chi phí giao dịch và việc phải dựa dẫm vào máy móc. Các quầy hàng diện tích nhỏ cho rằng việc đặt thiết bị sẽ khiến mặt tiền quầy thêm chật chội. Số khác thì cho rằng thanh toán điện tử sẽ khiến họ không nhận được tiền boa hay than phiền về việc họ vẫn cần rút tiền mặt để trả cho đối tác cung cấp.
"Nếu có vấn đề với máy móc vào giờ cao điểm, khách hàng chắc chắn sẽ bỏ chạy", Sahat Wahab, chủ một quầy hàng tại chợ Tiong Bahru, nói.
Nhân khẩu học cũng là một vấn đề. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, người từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng một nửa dân số Singapore vào năm 2050. Họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với giới trẻ khi chuyển sang công nghệ mới.
Để thúc đẩy các chủ quầy áp dụng phương pháp mới, Nets chi 15 triệu USD để miễn phí thiết bị đầu cuối và phí giao dịch cho chủ quầy trong ba năm. Một số dịch vụ khác tính phí thấp như 0,3%. Nets cũng nghiên cứu việc xuất đơn hàng chứa mã QR, nhằm giúp chủ quầy trả tiền cho đối tác cung cấp mà không cần tiền mặt.
Nets còn chi 15 triệu USD để tiếp thị với khách hàng. Ngày 4/7 - 29/8, khách hàng sử dụng mã QR của Nets để thanh toán được giảm 50% ở 1.000 quầy ẩm thực. Nets cũng từng chạy chương trình tương tự với quy mô nhỏ hơn từ tháng 4 đến tháng 5, theo Straits Times.
Tháng trước, gần 500 người lớn tuổi đã học cách sử dụng thanh toán điện tử tại hội chợ Yio Chu Kang. "Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi, vẫn quen mang tiền mặt, vì vậy, sẽ cần nhiều thời gian để họ thay đổi", Gilbert Chuah, ban tổ chức sự kiện, nói. "Đó là lý do tại sao chúng tôi cần nhiều hoạt động như thế này".
"Tôi đã học cách sử dụng Facebook, bây giờ, tôi phải học cách thanh toán không dùng tiền mặt, nếu không, tôi sẽ bị bỏ lại phía sau", Lim Gy-an, 69 tuổi, nói.